Phận đời trôi nổi ven sông

Minh Toàn – Minh Hiếu-Thứ hai, ngày 25/12/2023 12:54 GMT+7

Những cây cầu nối cuộc sống của người dân xóm ngụ cư với Hà Nội.

VTV.vn - ''Ba không'': không điện, không nước, không định danh là cuộc sống trong gần 40 năm qua của người dân xóm ngụ cư ven sông hay còn gọi là xóm Phao.

Cách trung tâm Hà Nội chỉ 1,5km, tồn tại một xóm ngụ cư nghèo khác xa so với sự lộng lẫy, hào nhoáng của nửa kia thành phố. Xóm Phao là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân từ "tứ xứ" đổ về. Công việc chủ yếu của họ là nhặt đồng nát, sắt vụn để kiếm rau, cháo qua ngày.

Gọi là "sống chui" không chỉ bởi cuộc sống dưới chân cầu mà còn vì hầu hết những người dân tại đây đều không có giấy tờ tùy thân, không định danh. Họ là những người định cư bất hợp pháp. Đa phần người dân sống trên nhà bè, một cuộc sống lênh đênh, trôi dạt như chính cuộc đời của họ.

Kiếp sống lay lắt

Bà Phạm Thị Thu (68 tuổi) trước đây sống lay lắt bên chân cầu Chương Dương bằng nghề nhặt rác. Nhưng rồi thời gian trôi, người đàn bà khắc khổ này trôi đến nơi bãi giữa này, lấy chồng và "làm ăn" ở đây. Hơn 30 năm sống tại bãi giữa này, căn nhà bè là tài sản lớn nhất của bà Thu.

Lối vào nhà hai ông bà Lượng Thu và hơn 40 hộ dân sống ở dưới nước là một cầu nối giữa nhà và bờ. Gọi là cầu nhưng thực chất chúng là những cái thang, miếng ván được người dân tận dụng để nối phận đời của mình với sự phát triển của thành phố. Những chiếc cầu bấp bênh, chao đảo hệt như phận đời của người dân ở đây.

Nhà bà Thu là sự kết hợp giữa những mảnh tôn đi nhặt, những miếng gỗ ép đi xin và những chiếc thùng phuy được tặng. Bà Thu kể: "Ngày trước nước lên nước xuống, phải lo kéo nhà theo nước. Nước lên thì kéo lên, nước xuống thì kéo xuống. Nước xuống mà không kéo kịp là mắc cạn là phải dỡ hết đi, làm lại… Khổ lắm!".

Phận đời trôi nổi ven sông - Ảnh 1.

Nhà bà Thu ngổn ngang đồ vật.

Nền nhà bấp bênh, một vài chỗ bị mất đinh cố định, nếu không để ý có thể bị rơi xuống sống bất cứ khi nào. Thậm chí, những chiếc thùng phuy dùng lâu đã bị thủng, ngấm nước và không thể sử dụng được nữa. Bà Thu đành phải "bày" hết đồ dùng ra giữa nhà để không bị sập và trôi mất.

Bình gas cũ vứt lăn lóc nơi góc nhà. Bếp gas lâu không được vệ sinh đã hoen gỉ từ khi nào. Vì hết gas không có tiền thay nên bà Thu đành "xếp xó" những tiện ích này. Từ khi hết gas, bà Thu đành phải nấu bếp củi.

"Hôm nào nắng thì may, chứ mưa thì nhịn cả ngày. Nấu một nồi cơm đầy, ăn với gia vị mì tôm là qua ngày. Bữa nào mà mưa lâu, đói quá thì phải đi nấu nhờ bếp nhà người khác. Hôm nọ vừa nấu nhờ nhà Hà Hường", bà Thu nói.

Chiếc nồi còn xót lại những vụn mì tôm đã trương lên sau bữa sáng. Bát gia vị mì tôm đã hả, ướt đi sau bữa trưa, nồi cơm còn thừa để ăn bữa tối ngổn ngang khắp nhà bởi vị trí căn bếp chính là nơi mà những chiếc thùng phuy đã thủng, phải vớt lên bờ.

Hầu hết mọi vật dụng trong nhà đều là do chồng bà Thu "tha lôi" về. Từ bóng điện, ổ điện, loa đài… Bà Thu nói: "Cái bóng đèn, ổ điện là ông đi nhặt sắt vụn về xong sửa chứ tiền đâu mà mua".

Phận đời trôi nổi ven sông - Ảnh 2.

Bà Thu cho biết: Xem ban ngày thì tối thôi, mà trời âm u thế có bật cũng không lên…

Có điện nhưng ánh sáng từ những chiếc đèn được nhặt về cũng chỉ mờ mờ bởi điện được sử dụng là điện từ năng lượng mặt trời. "Ngày nắng thì sáng choang, ngày âm u thì cứ mờ mờ. Trời tháng 5 tháng 6 thì xem tivi được cả ngày còn vào đông, âm u chỉ xem buổi trưa thôi, tối có muốn xem cũng không xem được, bật có lên đâu, có đủ điện đâu mà lên", bà Thu chia sẻ.

Cuộc đời vẫn đẹp sao

Cuộc sống là sự cóp nhặt từ những thứ nhỏ nhất như dây điện, bóng đèn… nhưng đôi khi chúng còn bị cuốn theo dòng chảy của sông Hồng. Bà Thu nói: "Rửa bát thì rửa ở cái cầu ngoài kia, lỡ tay rơi bát, bát trôi đi là chuyện bình thường".

Tuy cuộc sống khó khăn thiếu thốn là thế nhưng nụ cười, sự lạc quan chưa bao giờ tắt với những người dân ở đây. Khi được hỏi về những lo ngại đối với cuộc sống ở đây, bà Thu cười, đáp: "Lo mà làm gì, lo cũng có hết được đâu, cứ sống thôi, trời thương ngày nào thì hay ngày ấy".

Ông Nguyễn Đăng Được (trưởng xóm Phao) là người mang sự học đến với nơi "miếng ăn còn chẳng đủ" này. Xuất phát từ tình yêu với trẻ em, khát khao được đem con chữ về nơi bãi giữa này, ông Được đã xây dựng một lớp học dành cho trẻ em.

Những ngày chưa được lên bờ, căn nhà thuyền cũng chính là lớp học. Căn nhà trôi đi đâu thì lớp học theo đó. Khi được lên bờ, lớp học được cố định tại mảnh vườn mà ông Được thuê để sinh sống. Gọi là lớp học nhưng thời gian đầu chỉ là nơi được quây bạt, che mưa che nắng. Ông Được nói: "Viết thì viết lên gỗ, lên ván, phải dùng phấn màu, ghế thì ghế đỏ thôi".

Đến nay, lượng trẻ em ngày một đông lên nhưng vì bố mẹ của chúng là những người không giấy tờ tùy thân, không họ hàng nên chính ông Được là người đi xin giấy khai sinh, rồi xin học tại các trường tiểu học Phúc Xá, Phúc Tân cho đám nhỏ.

Phận đời trôi nổi ven sông - Ảnh 3.

Lớp học, tủ sách và sân chơi hiện nay do chính tay ông Được xây dựng cho các em nhỏ trong xóm.

Không chỉ lớp học mà ông Được còn xây dựng tủ sách cho trẻ em nơi bãi giữa này. Tủ sách gồm những mẩu truyện tranh, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích… Trước đây những đầu sách này là do ông Được tìm mua lại ở các điểm tập kết sắt vụn nên loại sách rất đa dạng. Khi bọn trẻ đã đọc hết, ông Được gom sách cũ lại gửi lên vùng cao và tìm kiếm những đầu sách mới.

Ngoài ra, ông Được còn xây dựng một khu vui chơi cho trẻ em. Khu vui chơi có đầy đủ các trò chơi như cầu trượt, bập bênh… Điểm đặc biệt là tất cả chúng đều từ đồ tái chế mà ra. Những lốp xe cũ, miếng ván đều được ông tận dụng để làm đồ chơi cho trẻ.

Một tương lai mới có lẽ sẽ được mở ra với các em ở xóm nghèo này. Sẽ không còn vòng luẩn quẩn nào được tiếp diễn ở cái xóm chân cầu này nhưng sự thật lại phũ phàng. Nhiều em dù đã được đi học nhưng không đủ tiền đóng học phí mà đành phải dừng việc học lại.

Chuyển đi nơi khác cũng mở ra con đường mới cho tương lai của xóm ngụ cư sau này nhưng số phận của những người dân xóm ngụ cư sẽ trôi về đâu khi dự án được triển khai, một tương lai rộng mở hay một vòng lặp "sống chui" sẽ lại bắt đầu?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước