Sáng 3/7, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Hơn 170 hạng mục công trình thuộc hệ thống Cố đô Huế được bảo tồn, tu bổ sau 30 năm kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Cùng 5 danh hiệu UNESCO khác, Huế tự tin khẳng định thương hiệu thành phố di sản.
Phố cổ Hội An, di sản đô thị đi kèm phát triển du lịch, dịch vụ chiếm hơn 70% cơ cấu kinh tế của thành phố. Người dân hưởng lợi từ giá trị của danh hiệu. Đây là những hình mẫu tiêu biểu trong phát triển bền vững di sản tại Việt Nam được UNESCO đánh giá cao.
Việt Nam hiện có 57 danh hiệu UNESCO gồm các di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu... góp phần hình thành thương hiệu của mỗi địa phương, phát triển du lịch và thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều địa phương đang gặp thách thức trong việc hài hòa về lợi ích giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế. Để đạt được hiệu quả bền vững, việc gìn giữ di sản cần sự cộng hưởng mạnh mẽ từ cộng đồng cư dân.
Tại hội nghị, các tham luận đã đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trong phân loại đô thị; bảo đảm các đô thị sở hữu di sản được UNESCO vinh danh không bị cuốn theo mô hình "đô thị nén"; vừa thúc đẩy đô thị hóa, hiện đại hóa phù hợp chức năng đô thị di sản, vừa giữ gìn, bảo tồn được các giá trị cốt lõi mà UNESCO vinh danh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!