Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, theo đó, trong thời gian tới đây, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được tính toán phù hợp với pháp luật về giá và dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay vì tính theo đầu người như hiện tại. Hình thức tính toán phí rác theo hình thức mới này sẽ được tiến hành trước năm 2025 và áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Khi được hỏi về đề xuất thu phí môi trường dựa trên khối lượng rác thải, nhiều người dân đã thể hiện sự ủng hộ với đề xuất trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Bởi gia đình nào có lượng rác thải sinh hoạt nhiều sẽ phải nộp phí cao hơn so với các hộ khác nhằm đảm bảo sự công bằng.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến băn khoăn là làm thế nào để tính được khối lượng rác. Nếu các gia đình tự cân, tự ghi nhật ký sẽ mất thời gian, mất vệ sinh. Còn nếu để nhân viên thu gom tự cân, tự ghi sẽ khó tạo sự tin tưởng. Còn phương án cả 2 cùng cân, ghi sổ và ký nhận càng khó thực hiện. Chưa kể đến chuyện rác nhà này "đi lạc" qua nhà người khác.
Ai sẽ chịu trách nhiệm chi trả phí cho số rác tại những bãi tự phát thế này?
Hiện tại cửa một số nhà dân trở thành bãi tập kết rác công cộng. Vậy rác này sẽ được cân đo đong đếm bằng cách gì và việc xác định ai sẽ là người phải trả phí cho số rác này cũng không hề đơn giản. Không chỉ vậy, tại những khu chung cư, phần lớn không quy định giờ đổ rác, ai muốn đổ lúc nào cũng được, miễn tiện. Vậy liệu lúc này, tại điểm vứt rác, có người sẽ đảm nhiệm chức danh giám sát phân loại và cân rác!?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!