Vaccine viêm gan B giúp ngăn ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con đến 95%. Ảnh: Tuyết Huỳnh
Cầm xét nghiệm âm tính với viêm gan B của con, chị N.T.P (32 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) thở phào nhẹ nhõm. Chị P. cho biết mình nhiễm viêm gan B cấp tính trong quá trình mang thai. Lo sức khỏe cho mình một phần thì chị lo có thể lây bệnh cho con đến 10 phần.
Đề phòng lây nhiễm bệnh từ mẹ, con chị được tiêm vaccine viêm gan B và huyết thanh khi mới chào đời. Sau đó, chị P. cho bé tiếp tục tiêm ngừa vaccine 6 trong 1 dịch vụ đầy đủ. Đến khi bé 18 tháng, tiêm vaccine mũi 4 và xét nghiệm âm tính một tháng sau tiêm, chị mới có thể bớt gánh lo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm gan B hiện vẫn là một gánh nặng cho sức khỏe toàn cầu. Thế giới ước tính có trên 2 tỷ người đã và đang nhiễm viêm gan B. Năm 2019, viêm gan B đã gây ra khoảng 820.000 ca tử vong, chủ yếu do xơ gan và ung thư biểu mô tế bào. 75% tổng số ca bệnh được thống kê đến từ châu Á.
Việt Nam nằm trong vùng lưu hành của viêm gan B, với 10-20% dân số (khoảng từ 10 triệu người) nhiễm virus viêm B, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ lưu hành cao nhất thế giới.
Viêm gan B lây qua 3 đường chính: từ mẹ sang con, qua quan hệ tình dục và đường máu. Trong đó, từ mẹ sang con được WHO đánh giá là một trong những đường lây nhiễm viêm gan B hàng đầu. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B, nếu không được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ nhiễm bệnh có thể lên đến 90%.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm viêm gan B cấp tính có thể dẫn đến triệu chứng nặng, đe dọa tính mạng. Nếu không có các can thiệp phù hợp, 90% trẻ sơ sinh nhiễm virus cấp tính sẽ chuyển thành người mang virus mạn tính, lây bệnh cho người xung quanh, đặc biệt là bạn bè cùng lứa tuổi trong quá trình nô đùa. Khi trưởng thành, trẻ có 25% nguy cơ tử vong vì xơ gan hoặc ung thư tế bào gan. Có từ 25-30% trẻ nhỏ mắc viêm gan B chuyển thành viêm gan B mạn tính. 100% ung thư gan ở trẻ em tại Việt Nam là do viêm gan B.
Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch non yếu, không chỉ có khả năng lây nhiễm từ mẹ trong quá trình sinh nở mà còn có thể nhiễm bệnh từ các vật dụng y tế, vết máu của người nhiễm bệnh. Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể xâm nhập vào cơ thể không được vaccine bảo vệ.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Mũi tiêm viêm gan B được WHO khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả trẻ sơ sinh. Nếu sinh ra từ mẹ mắc viêm gan B, trẻ sơ sinh sẽ được tiêm vaccine kết hợp huyết thanh kháng virus viêm gan B để ngăn ngừa lây nhiễm.
Theo bác sĩ Chính, tiêm vaccine viêm gan B trong 24h đầu sau sinh có hiệu quả phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80-95%. Nếu tiêm vaccine viêm gan B vào thời điểm 7 ngày sau sinh, vaccine hầu như không còn hiệu quả phòng bệnh.
Sau mũi tiêm sơ sinh, trẻ dù sinh ra từ mẹ nhiễm bệnh hay không vẫn cần theo sát lịch tiêm phòng vaccine ngừa viêm gan B có trong vaccine 5 trong 1 tiêm chủng mở rộng, vaccine 6 trong 1 dịch vụ hoặc vaccine viêm gan B đơn.
Bác sĩ Chính cũng lưu ý, trẻ sơ sinh khi tiêm vaccine viêm gan B không cần xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể trước khi tiêm như người lớn.
Bên cạnh đó, viêm gan B không lây qua đường ăn uống và sữa mẹ nên mẹ vẫn có thể cho con bú và chế biến thức ăn cho con. Để tránh lây nhiễm viêm gan B theo đường máu từ mẹ sang con, khi đầu vú của mẹ gặp các trường hợp nứt, chảy máu, mẹ nên ngừng cho bé bú. Sau khi điều trị ổn định, mẹ nên tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ, tránh việc bỏ qua nguồn dinh dưỡng quý giá cho con.
Chương trình tư vấn tuyến diễn ra tối 17/11.
Ngoài ra, phụ nữ trước khi mang thai cũng cần tiêm ngừa viêm gan B, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và lây truyền sang con. Việc tiêm phòng nên thực hiện ở cả hai vợ chồng, tránh tình trạng chồng lây nhiễm sang vợ, sau đó vợ lây sang con trong quá trình sinh nở.
Khi phát hiện mang thai, nếu chưa được tiêm phòng đầy đủ, người mẹ nên chủ động xét nghiệm máu để phát hiện mình có mắc viêm gan B hay không. Trường hợp mắc bệnh, thai phụ cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa, xác định nồng độ virus, đánh giá chức năng gan và có hướng điều trị thích hợp.
Thai phụ cũng không nên quá lo lắng, chẩn đoán viêm gan B không buộc phải chấm dứt thai kỳ. Đồng thời, viêm gan B cũng không ảnh hưởng đến chỉ định sinh thường hay mổ vì không làm thay đổi tỷ lệ lây nhiễm.
Trẻ em và người lớn có thể phòng ngừa viêm gan B bằng các vaccine viêm gan B đơn hoặc phối hợp như vaccine Heberbiovac (Cu Ba) và vaccine Gene Hbvax (Việt Nam) ngừa viêm gan B đơn, tiêm cho trẻ sơ sinh và người lớn; vaccine 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine 6 trong 1 dịch vụ tiêm ngừa cho trẻ từ 2 tháng (hoặc tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi) đến 24 tháng tuổi; vaccine Twinrix (Bỉ) ngừa viêm gan A, B tiêm cho trẻ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn.
Để cập nhật các thông tin khoa học và giải đáp các thắc mắc về viêm gan B cũng như các bệnh do virus này gây ra, Đài truyền hình Việt Nam kết hợp cùng Trung tâm Tiêm chủng VNVC và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề "Phòng ngừa các bệnh viêm gan, ung thư gan ở trẻ em và người lớn".
Chương trình sẽ phát sóng vào 20h thứ 6, ngày 17/11 trên fanpage VTV, VNVC, BVĐK Tâm Anh với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm và sản phụ khoa: BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKII Nguyễn Đắc Hanh, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; BS.CKII Dương Anh Dũng, Bác sĩ khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.
Hiện gần 150 trung tâm tiêm chủng VNVC đã có mặt tại gần 50 tỉnh thành, cung cấp đầy đủ các loại vaccine chính hãng, được bảo quản trong hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh khép kín, an toàn, chất lượng cao, bình ổn giá với nhiều chương trình ưu đãi giá, hỗ trợ tiêm gói vaccine trước trả tiền sau với 0% lãi suất. VNVC đang hỗ trợ tiêm vaccine lao đa liều miễn phí cho trẻ em trong các khung giờ thứ thứ 2 đến thứ 6.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!