Phóng viên điều tra lên tiếng về vụ việc đo điện não video tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 08/07/2020 11:43 GMT+7

VTV.vn - Báo điện tử VTV News đã có cuộc trao đổi với phóng viên Anh Tuấn để làm rõ hơn câu chuyện về việc đo điện não video tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Phóng viên điều tra lên tiếng về vụ việc đo điện não video tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 1.

Phóng sự về việc cắt xén thời gian đo điện não video tại Bệnh viện Bạch Mai sau khi phát sóng trên Chuyển động 24h ngày 29/6 đã thu hút sự quan tâm rất lớn của khán giả, trong đó có nhiều bệnh nhân và gia đình. Bên cạnh đó, vụ việc cũng nhận được không ít những thông tin, phát biểu đa chiều trong dư luận.

Khám tâm thần ở BV Bạch Mai, biết "khái niệm mới": Nửa ngày bằng... 40 phút (Chuyển động 24h ngày 29/6)

Để làm rõ hơn câu chuyện này, Báo điện tử VTV News đã có cuộc trao đổi với phóng viên Anh Tuấn, Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital) – một trong những người đã trực tiếp tham gia thực hiện phóng sự trên.

Phóng sự việc đo điện não video do anh thực hiện đã tạo nên sức ảnh hưởng lớn thời gian qua khi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Bệnh viện Bạch Mai đề nghị xác minh vấn đề này. Vậy nguyên nhân nào đã thúc đẩy anh tìm hiểu về hiện tượng cắt xén thời gian đo điện não video?

PV Anh Tuấn: Tôi và các đồng nghiệp đã nhận được phản ánh của bệnh nhân từng khám tâm thần ở Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai về việc trên phiếu thu tiền viết việc đo điện não video trong 12 giờ nhưng khi triển khai thì chỉ được 15 phút, có người được 30 phút và nhiều nhất là hơn 1 tiếng. Một số bệnh nhân thắc mắc thì bác sĩ mới cho đo đủ 12 tiếng.

Từ đó, chúng tôi đã nhận thấy có dấu hiệu bất thường của việc đo điện não video giữa chỉ định trong phiếu thu tiền và quá trình thực tế triển khai phương pháp kỹ thuật này và quyết định tìm hiểu.

Trong quá trình tìm hiểu, anh đã nhận thấy những bất thường nào trong việc thực hiện kỹ thuật đo điện não video tại Viện sức khỏe tâm thần?

PV Anh Tuấn: Trong quá trình thực hiện thì không chỉ có một mình tôi mà còn một số đồng nghiệp khác và bệnh nhân nhận đều nhận thấy rằng, đúng là đã có việc ghi rất rõ chỉ định trên phiếu thu tiền là đo điện não video trong 12 giờ với giá 600.000 đồng nhưng thực tế là làm chỉ 40 phút, nhiều hơn cũng chỉ là 1 giờ.

Thậm chí, một bệnh nhân kể lại rằng, sau khi đo được khoảng 40 phút, anh ấy đã thấy 2 kỹ thuật viên nói chuyện với nhau. Một KTV hỏi: "Khi nào dừng" thì người còn lại bảo: "Thích dừng lúc nào thì dừng". Ngay sau câu chuyện đó thì việc đo cũng dừng lại.

Phóng viên điều tra lên tiếng về vụ việc đo điện não video tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 3.

Phiếu thu ghi rất rõ: Đo điện não video (làm 12 giờ)

Hiện một số tờ báo đăng tải phát biểu từ phía Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai lý giải việc không đo đủ 12 giờ như ghi trên phiếu là do đã phát hiện sóng bất thường và bệnh nhân không hợp tác. Anh có bình luận như thế nào về những lời giải thích trên?

PV Anh Tuấn: Lý do đầu tiên mà phía Viện sức khỏe tâm thần lý giải cho việc dừng đo khi chưa hết thời gian 12 giờ là vì đã bắt được sóng bất thường nên không phải tiếp tục đo nữa. Vậy Viện lý giải như thế nào khi nhiều trường hợp dừng đo mà chưa phát hiện được sóng bất thường gì?

Bằng chứng là bệnh viện Bạch Mai mới chỉ rà soát trong thời gian ngắn từ ngày 1/6 đến hết ngày 17/6 đã phát hiện 17/51 trường hợp không ghi nhận có sóng bệnh lý (33%). Nghĩa là những người này đều không có sóng bất thường nhưng đều được cho dừng đo.

Lý do thứ hai được phía Viện đưa ra là vì bệnh nhân tâm thần không hợp tác, thậm chí "đập phá máy" trong quá trình đo nên phải dừng sớm và không thể tiếp tục đo được nữa. Có thể lý giải này chỉ đúng với một số trường hợp bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại viện. Còn không phải tất cả những người đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần đều có nghĩa là họ đã bị tâm thần nên không hợp tác với bác sĩ.

Tôi đã gặp và tiếp xúc với nhiều người đến khám tại đây. Họ sẵn sàng hợp tác với bác sĩ nhưng vẫn bị dừng quá trình đo điện não trước 12 giờ. Và kết quả cũng không hề phát hiện sóng bất thường gì.

Bất ngờ hơn, một đồng nghiệp của tôi trong quá trình đi khám còn được bác sĩ chẩn đoán mắc động kinh.

Phóng viên điều tra lên tiếng về vụ việc đo điện não video tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 4.

Việc đo điện não video được dừng sau 40 phút

Theo quy trình y khoa, kỹ thuật viên phải thực hiện theo y lệnh của bác sĩ. Vậy trong trường hợp này thì việc thực hiện đó diễn ra như thế?

PV Anh Tuấn: Về nguyên tắc, sau khi bác sĩ ra phiếu chỉ định thì kỹ thuật viên phải thực hiện theo y lệnh của bác sĩ. Trong trường hợp này, khi chứng kiến, tôi rất bất ngờ khi trong phiếu chỉ định và cả phiếu thu tiền đều ghi là 12 giờ nhưng khi đo chỉ được một thời gian ngắn thì kỹ thuật viên đã kết thúc quá trình đo. Tại sao một kỹ thuật viên lại có thể tự ý dừng lại như vậy?

Tôi đã đặt câu hỏi này trong suốt quá trình đi tìm hiểu. Với những gì tôi chứng kiến, tôi đã tìm ra được câu trả lời cho riêng mình.

Ban đầu thì tôi nghĩ là do kỹ thuật viên tự ý dừng. Nhưng khi trực tiếp thắc mắc với kỹ thuật viên, thì họ nói rằng, việc đo như thế nào, thời gian ra sao là hoàn toàn làm theo chỉ đạo của bác sĩ.

Về chuyện này thì bác sĩ giải thích đã phát hiện sóng bất thường rồi nên không đo nữa. Tuy nhiên trên thực tế, bác sĩ ngồi ở một phòng còn kỹ thuật viên lại ở một phòng khác. Sau khi kết thúc việc đo thì kỹ thuật viên mới in kết quả và chuyển tới cho bác sĩ chẩn đoán. Vậy tại sao bác sĩ lại biết trước được là bệnh nhân có sóng bất thường hay không và biết được có sóng bất thường vào lúc nào mà dừng đo. Điều này rất khó hiểu. Vì thế lý giải cho rằng thấy bệnh nhân có sóng bất thường rồi nên không đo nữa, tôi cho rằng không thuyết phục với những gì diễn ra trên thực tế.

Sau mỗi một ngày, phía Viện Sức khỏe tâm thần thần phải có con số thống kê về các trường hợp đo điện não trong một ngày chứ? Theo như cuốn sổ giao ban hàng ngày mà phóng sự đã nêu thì có những ngày là 13 ca, 15 ca, thậm chí là 69 ca. Trong khi phiếu chỉ định và phiếu thu tiền ghi thời gian lên tới 12 giờ. Sự bất thường rất dễ nhận ra. Vậy lẽ nào phía Viện lại không biết chuyện này?

PV Anh Tuấn: Đúng rồi. Chỉ nhìn vào con số thống kê các ca điện não video trong một ngày là có thể nhận ra bất thường. Trong cuốn sổ giao ban đó có con số ghi rõ 69 ca điện não video trong ngày 8/1/2020, chứ không phải là điện não thông thường.

Phóng viên điều tra lên tiếng về vụ việc đo điện não video tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 5.

Theo sổ giao ban, đã có ngày lên tới 69 ca đo điện não video

Sau khi phóng sự phát sóng, một chuyên gia nói rằng, quan điểm về sử dụng điện não trong ngành thần kinh ở trong phóng sự áp dụng cho ngành tâm thần là chưa phù hợp. Anh lý giải như thế nào về ý kiến này?

PV Anh Tuấn: Trước hết tôi rất cảm ơn ý kiến đóng góp của bác sĩ dưới góc độ của một người hiểu chuyên môn sâu về điện não video- một kỹ thuật đòi hỏi kiến thức nghiên cứu chuyên sâu.

Trước khi phỏng vấn, tôi cũng nói rất rõ là có tình trạng bác sĩ chỉ định đo điện não 12 giờ nhưng lại chỉ đo 30 phút hoặc 1 tiếng để phỏng vấn dưới góc độ một người làm chuyên môn sâu. Chuyên gia cũng đã chia sẻ đúng như những gì phóng sự phản ánh và chúng tôi vẫn đang lưu đầy đủ những tư liệu của cuộc phỏng vấn đó.

Trước khi thực hiện phóng sự, tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tâm thần và họ đều nói rằng, kỹ thuật điện não video thường được sử dụng chuyên sâu trong chuyên khoa thần kinh. Đặc biệt là trong việc chẩn đoán động kinh. Thực tế là ở bệnh viện Bạch Mai, phương pháp này không chỉ dùng riêng cho Viện sức khỏe tâm thần mà còn được dùng chung với chuyên khoa thần kinh và các khoa khác của bệnh viện.

Và khi chúng tôi tham vấn ý kiến một số chuyên gia trong lĩnh vực tâm thần (không tiện nêu tên) thì một số chuyên gia khẳng định, chỉ định thế nào thì phải đo đủ như vậy. Tránh tình trạng "nói một đằng nhưng làm một nẻo".

Hơn nữa, Bộ Y tế đã ban hành quy định về chỉ định đo điện não video trong khám chữa bệnh. Theo quy định này, Bộ Y tế nêu rõ thời gian tối thiểu là 8 giờ, trong khi ở Bạch Mai thì quy định lên tới 12 giờ.

Tôi nghĩ rằng, phải đo đủ thời gian như vậy mới đánh giá toàn diện tình hình bệnh lý của bệnh nhân và có phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân. Bởi không phải ngẫu nhiên mà Bộ Y tế, bệnh viện Bạch Mai đưa ra quy chuẩn như vậy.

Theo thông tin từ báo chí, một số bệnh viện đang áp dụng thu 2,4 triệu đồng để đo điện não video trong khi Bệnh viện Bạch Mai chỉ thu 600.000 đồng. Như vậy có phải Bệnh viện Bạch Mai tạo điều kiện cho người bệnh khi thực hiện kỹ thuật này hay không?

PV Anh Tuấn: Đúng là bệnh viện tạo điều kiện cho người bệnh nhưng trong trường hợp làm đúng theo quy định là 12 giờ chứ. Còn nếu chỉ đo 1 tiếng hay 30 phút thì theo tôi, 600.000 đồng là quá đắt. Bởi các viện khác, họ làm đúng thời gian thì chi phí chỉ là 200.000 đồng/giờ đo thôi.

Giống như chia sẻ của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, tới đây sẽ thay đổi cách tính tiền khi làm điện não video, có thể vẫn giữ khung giá điện não video làm 12 giờ là 600.000 đồng, nhưng làm 1 giờ, 2 giờ thì số tiền bệnh nhân phải trả sẽ khác. Tôi cho như vậy mới là hợp lý.

Sau khi phóng sự phát sóng, Bệnh viện Bạch Mai đã có phản hồi như thế nào?

PV Anh Tuấn: Tôi cũng rất mừng, sau khi phóng sự phát sóng, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ đạo kiểm tra rà soát ngay. Qua rà soát trong thời gian từ 1/6 đến 17/6, tất cả các trường hợp đều chưa tuân thủ quy trình của Bộ Y tế ban hành.

Lãnh đạo bệnh viện cũng đang rà soát, mở rộng thêm thời gian từ đầu năm để xem xét đánh giá. Bệnh viện cũng đã thừa nhận quy trình sử dụng điện não video có nhiều điểm chưa phù hợp, cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

Tôi cũng rất muốn một cuộc làm việc với lãnh đạo Viện sức khỏe tâm thần để được làm rõ một số nội dung xung quanh câu chuyện này để từ đó có thông tin đầy đủ hơn cung cấp cho khán giả.

10 ngày đo điện não đồ video 'nhoay nhoáy'... 116 ca: 'Có dấu hiệu lừa dối bệnh nhân!' 10 ngày đo điện não đồ video "nhoay nhoáy"... 116 ca: "Có dấu hiệu lừa dối bệnh nhân!"

VTV.vn - Theo luật sư Trần Tuấn Anh, GĐ Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, việc bớt xén thời gian đo điện não đồ video có dấu hiệu hành vi lừa dối bệnh nhân.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước