Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với nhiều điểm thay đổi quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Như vậy, chỉ còn 4 ngày nữa, mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi, các doanh nghiệp sẽ đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương và phụ cấp. Nhưng, hiện nay, người lao động và các doanh nghiệp vẫn đang có những băn khoăn bởi chưa rõ trong hơn 50 phụ cấp hiện có, khoản nào sẽ được tính đóng bảo hiểm xã hội.
Tại các sổ lương của doanh nghiệp hiện đang có rất nhiều loại phụ cấp như: Phụ cấp xăng xe, phụ cấp điện thoại, độc hại, chức vụ, trang điểm, khu vực, chuyên cần… Trong đó, nhiều loại phụ cấp được coi là "đầu vào" như: Phụ cấp chức vụ, phụ cấp độc hại… Nhưng cũng có những phụ cấp "đầu ra" như: Phụ cấp chuyên cần, phụ cấp bổ sung công việc… Các doanh nghiệp và người lao động đang mong chờ một hướng dẫn cụ thể được ban hành sớm quy định các loại phụ cấp đóng bảo hiểm xã hội.
Liên quan đến vấn đề các khoản phụ cấp nào sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội?, chương trình Thời sự 12h hôm nay (28/12) đã mời đến trường quay bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Bà Trần Thị Thúy Nga cho biết: "Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã đưa ra một lộ trình về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Năm 2016, năm 2017, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ là mức lương, phụ cấp lương. Còn năm 2018 thêm khoản bổ sung khác.
Ngày 16/12/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 47 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 05, trong đó có quy định về tiền lương. Theo đó, phụ cấp lương có hai loại là phụ cấp xác định trước và phụ cấp chưa xác định trước mà căn cứ vào hiệu quả công việc cũng như quá trình làm việc của người lao động.
Trong Thông tư hướng dẫn Nghị định số 115 quy định rõ: Những khoản phụ cấp xác định được sẽ đưa vào tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Còn những khoản phụ cấp chưa xác định được sẽ không đưa vào tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bởi những khoản này sẽ biến động rất khó theo dõi.
Năm 2018, các khoản bổ sung khác cũng sẽ đưa vào tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, những khoản bổ sung này cũng phải xác định trước rồi mới đưa vào tiền lương đóng. Cụ thể, phụ cấp lương được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Thông tư số 47 và các khoản bổ sung được quy định tại Điểm a, Khoản 3, Thông tư số 47. Trong Thông tư 47 quy định rất rõ các chế độ phúc lợi như: Tiền xăng xe, tiền đi lại, tiền khen thưởng theo Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến, tiền hỗ trợ gửi con, tiền hỗ trợ khi có thân nhân mất, hỗ trợ trong những trường hợp sinh nhật, tai nạn lao động, đều không phải đưa vào tiền lương đóng bảo hiểm xã hội".
Theo báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội hồi tháng 10, lũy kế đến cuối năm 2015, quỹ bảo hiểm xã hội còn dư hơn 460.000 tỷ đồng, toàn bộ số tiền tạm thời nhàn rỗi được sử dụng đầu tư. Số dư đầu tư quỹ đến cuối năm 2015 ước khoảng hơn 446.000 tỷ đồng, sinh lời giai đoạn 2012 - 2015 là khoảng 100.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hơn 22.000 tỷ đồng ngân sách Nhà nước phải chuyển vào quỹ bảo hiểm xã hội, nhằm chi trả lương cho những người công tác trong khu vực Nhà nước trước năm 1995.
Và theo giải trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trước Quốc hội về thay đổi cách tính bảo hiểm xã hội, quy định này nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội (khu vực Nhà nước và tư nhân). Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và góp phần cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.