Câu chuyện khai thác cát và nỗi lo biến dạng lòng dẫn, địa hình sông Hồng không phải là câu chuyện mới nhưng hệ lụy mà nó gây ra chưa bao giờ cũ. Một nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra rằng việc khai thác cát vượt quá mức và thiếu kiểm soát là nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng sạt lở ven bờ và thay đổi dòng chảy của sông Hồng.
Tại địa bàn giáp ranh giữa 2 xã Vĩnh Lại và Cao Xá, thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, chỉ một khúc sông có tới 5 doanh nghiệp được cấp phép và gia hạn giấy phép để khai thác cát. Hoạt động khai thác ở khu vực đang diễn ra rầm rộ, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở đất bãi ven sông nếu không được kiểm soát và giám sát chặt chẽ.
Tại mỏ khai thác cát của công ty Cổ phần Thống Nhất ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao cùng một lúc có 3 con tàu áp sát bãi bồi hút cát. Theo quy định, doanh nghiệp phải cắm mốc, thả phao để nhận diện vị trí ranh giới mỏ được phép khai thác, nhưng lại không có phao đánh dấu nào hiện hiện tại đây.
Người quản lý khẳng định việc khai thác cát tại đây vẫn nằm trong phạm vi được cấp phép. Theo bản cam kết của doanh nghiệp với địa phương, vị trí khai thác gần nhất cũng phải đảm bảo khoảng cách tới chân đê tối thiểu 500 m. Thế nhưng, phương tiện tàu hút lại không đảm bảo khoảng cách như vậy.
Mỗi tàu hút cát được doanh nghiệp đăng ký có công suất 25m3/giờ. Điều đó đồng nghĩa phải mất 10 tiếng đồng hồ hoạt động liên tục mới có thể khai thác được đầy một con tàu chở với khối lượng 250 m3 cát. Tuy nhiên, trên thực tế, tàu hút được trang bị tới 3 vòi xả cỡ lớn. Chỉ trong vòng 30 phút, một tàu hút đã bơm đầy tàu chở với trọng lượng khoảng 400-500 m3 cát.
Ông Nguyễn Ngọc Yên - Cán bộ địa chính xây dựng UBND xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ lại cho rằng: "Các tàu khai thác một giờ được bao nhiêu khối cát thì tôi thực sự không nắm được gì".
Cách đó không xa, trên sông Hồng tại xã Vĩnh Lại cũng đang có 3 doanh nghiệp khác được cấp phép khai thác. Trong đó nhiều nhất là công ty Phú Đức với 5 phương tiện đăng ký. Cả khúc sông chẳng khác nào một đại công trường. Có thời điểm ghi hình có gần 10 tàu hút đồng loạt hoạt động. Cát hút đến đâu đều được bán trực tiếp trên sông.
Trên giấy tờ các doanh nghiệp đều được cấp phép khai thác nhưng với công suất hàng năm rất khiêm tốn. Vậy một vấn đề đặt ra lúc này cho các cơ quan quản lý tại địa phương, làm sao để giám sát hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp có đúng như công suất được cấp phép hay không?
Nếu như chỉ dựa vào văn bản tự báo cáo của các doanh nghiệp với Sở Tài nguyên môi trường thì dĩ nhiên đều không có đơn vị nào khai thác vượt công suất cho phép bởi mỏ được cấp phép nhiều nhất cũng chỉ được khai thác 49.000m3/năm.
Thậm chí, theo báo cáo có đơn vị còn khai thác cát với khối lượng thấp hơn rất nhiều so với công suất được cấp phép hàng năm như mỏ cát của Công ty Đại Bảo theo báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ khai thác được vỏn vẹn 3.090 m3 cát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!