Một số địa phương có lượng mưa trên 180mm như: xã Lương Nha (Thanh Sơn) 241mm; Phú Hộ (thị xã Phú Thọ) 192mm; Minh Đài (Tân Sơn) 185mm; Yên Lương (Yên Lập) 184mm… Mưa to, gió lớn đã khiến nhiều địa phương bị ảnh hưởng do sạt lở, ngập úng.
Đường Hùng Vương, phường Thanh Miếu ngập sâu. Ảnh: Báo Nhân Dân
Tại xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, dòng nước từ các xã Yên Sơn, Yên Lãng, Hương Cần của huyện Thanh Sơn dồn về, tạo thành dòng chảy xiết đã làm sạt trượt khoảng 200m bờ ngòi Lạt, cao trình khoảng 12m và đường bê tông dân sinh thuộc khu 2; đe dọa cuộc sống 7 hộ dân. Đặc biệt, vết sạt trượt đã sát vào chân tường rào của gia đình anh Hà Thông Hải.
Mưa lớn đã làm gần 200m tuyến đường bê tông liên khu từ khu 1 đi khu 4,6 và khu 7 chạy qua địa bàn khu 5 xã Tân Phương bị chìm trong biển nước, có chỗ ngập sâu đến 1,2m, làm ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của gần 40 hộ dân. Nguyên nhân là do nguồn nước chảy từ đập Sụ đổ về nhiều, cống tiêu thoát cuối nguồn bé nên không thoát kịp. Một số hộ dân nhà ở vùng đất trũng thấp, đã bị nước ngập vào bếp, công trình chăn nuôi, vườn cây từ 30-50cm.
Tại huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Phù Ninh, mưa lớn đã làm ngập úng hơn 110 ha lúa và hoa màu; hàng chục mét kênh mương bị đổ vỡ; sạt lở hai điểm ta ly dương đường giao thông nông thôn; vỡ 4 phai tạm tại huyện Thanh Sơn…
Sạt lở nghiêm trọng tại khu chợ Trịnh, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao. Ảnh: Báo Phú Thọ
Còn tại xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, do nước từ các nơi đổ về tiêu qua cống bốn cửa Lê Tính ra sông Thao, nước chảy xiết gây sạt lở nghiêm trọng tại khu chợ Trịnh, xã Vĩnh Lại. Đặc biệt, tại vị trí K91+950 đê tả Thao nước dâng cao, chảy xiết đã gây sạt lở mái đê với chiều dài khoảng 15m, có vị trí sâu một mét, sát mép đường nhựa (Quốc lộ 2D); sạt lở chân điếm canh đê, có nguy cơ gây mất an toàn đến tuyến đê tả Thao và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.
Khu vực sạt lở sát mái đê tả Thao tại K91+950. Ảnh: Báo Phú Thọ
Để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của nhân dân khu vực sạt lở, UBND các xã: Tu Vũ, Tân Phương và xã Vĩnh Lại đã cắm biển cảnh báo, căng dây khoanh vùng nguy hiểm, không cho người và gia súc đến khu vực sạt lở để tránh thiệt hại; bố trí cán bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; huy động vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm bốn tại chỗ để xử lý khi có tình huống xảy ra.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện đã tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan và UBND các xã kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; bố trí lực lượng kiểm soát, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn và tổng hợp báo cáo thống kê thiệt hại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!