Tính đến cuối năm 2022, đã có hơn 33.000 người dân của tỉnh Đắk Lắk được thụ hưởng lợi ích của Dự án "Cải thiện sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số" mà nội dung chính là phổ biến phương pháp Kangaroo (gọi tắt là KMC). Đây là tên viết tắt của phương pháp chăm con, giống như chuột túi Kangaroo, đặt trẻ sơ sinh nằm tiếp xúc da kề da trên ngực người mẹ.
Hai mẹ con H'Mê Niê vừa được về nhà sau hơn 2 tuần nằm viện. Chị sinh con thiếu tháng. Em bé chỉ nặng hơn 2 kg. Ngay sau khi ra đời, bé được ủ ấm cả ngày bằng phương pháp da kề da với mẹ. Nhân viên y tế ở Trung tâm Y tế huyện M' Đrắk đã hướng dẫn rất chi tiết để lần lượt từng thành viên trong gia đình thay nhau ủ ấm cho em bé.
Trong nửa năm qua, Trung tâm Y tế huyện M'Đrắk đã áp dụng phương pháp Kangaroo cho 17 trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc trẻ sơ sinh có bệnh lý. Tất cả đều đã xuất viện khoẻ mạnh và phát triển tốt.
Cùng với huyện M'Đak, Trung tâm Y tế huyện Ea Sup cũng đã được Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hướng dẫn, chuyển giao phương pháp Kangaroo để chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay ở tuyến cơ sở.
Trong 10 năm triển khai, phương pháp Kangaroo KMC ngày càng cho thấy rõ hiệu quả trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Từ giữa năm 2022 tới nay, với sự hỗ trợ của tổ chức Cứu trợ trẻ em Hàn Quốc, dự án đang tiếp tục được đẩy mạnh, không chỉ đào tạo cho nhân viên y tế mà còn tuyên truyền tới tận thôn bản, từ đó giảm thiểu tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Sau 10 năm triển khai KMC với sự đồng hành và hỗ trợ của Tổ chức cứu trợ trẻ em, số trẻ sinh non được chăm sóc bằng phương pháp này tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chiếm 22% số trẻ sơ sinh, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay. Con số này của cùng kỳ năm 2022 chỉ là 17,8%.
Bệnh viện cũng đã đưa vào hoạt động phòng Kangaroo thuộc Đơn nguyên sơ sinh - một nỗ lực rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ở Tây Nguyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!