Nguồn ảnh - Phạm Danh: Một góc khu kinh tế Dung Quất nhìn từ cảng nước sâu sang Khu kinh tế Chu Lai - Quảng Nam
Quảng Ngãi xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của tỉnh trong năm 2022 là hoàn thiện "Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050" trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, phát huy hiệu quả sử dụng đất nhằm phát triển bền vững KKT Dung Quất, xứng đáng là động lực phát triển của Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tại hội nghị thẩm định "Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050" do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 20/10/2022 vừa qua, Hội đồng thẩm định thống nhất các nội dung điều chỉnh quy hoạch để thu hút đầu tư và khai thác các lợi thế tiềm năng của địa phương. Nội dung "đồ án điều chỉnh quy hoạch" đã bám sát các "nhiệm vụ thiết kế" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đề xuất được khung phát triển cho KKT Dung Quất trong các giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, để hoàn thiện nội dung đồ án, Quảng Ngãi cần bổ sung, hoàn thiện một số nội dung và đề xuất cơ chế đặc thù cho KKT Dung Quất.
Tàu nhận xăng dầu tại Cảng xuất sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Đây là hạt nhân phát triển Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia. Ảnh: Phạm Danh
Trước đây, vào tháng 10/2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng điều chỉnh KKT Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050" nhằm điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn phát triển mới. Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch có quy mô diện tích trên 45.300 ha. Trong đó, đất liền khoảng 33.580 ha; diện tích đảo Lý Sơn khoảng 1.039 ha (hiện trạng phần đảo nổi) và diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng trên 10.700 ha. Mục tiêu của đồ án là xây dựng KKT Dung Quất phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia nói chung và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển nói riêng.
Thiết bị công nghiệp nặng do Nhà máy Doosan Vina sản xuất tại KKT Dung Quất, vận chuyển xuống tàu để xuất khẩu, lắp đặt vào công trình dầu khí tại Malaysia. Ảnh: Phạm Danh
Song song việc nỗ lực hoàn thiện "đồ án điều chỉnh quy hoạch" để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022. Quảng Ngãi đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới trong năm 2023 và theo định hướng phát triển KKT Dung Quất thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đồng thời có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!