UBND huyện Vĩnh Linh và Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị (công ty) vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung" để giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ, bồi thường di dời nhà máy để thực hiện Dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị.
Máy móc, thiết bị của Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh) đã tháo dỡ chờ hỗ trợ để di dời. (Ảnh: TTXVN)
Nguy cơ không thể tái đầu tư sản xuất
Giải phóng mặt bằng tuyến chính Dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ (dự án) qua tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành và thông tuyến vào ngày 24/10; trong đó, đoạn qua công ty tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh dài 200m. Mặt bằng dự án đã được giải quyết nhưng vấn đề hỗ trợ, bồi thường vẫn chưa có hồi kết, tính đến ngày 26/11. Trước đó từ tháng 4/2023, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu sớm hoàn thành bồi thường, hỗ trợ đối với tài sản của công ty; rà soát quỹ đất phù hợp để tạo điều kiện di dời nhà máy của công ty, đảm bảo không gián đoạn việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty được hỗ trợ, bồi thường trên 21,3 tỷ đồng để di dời phục vụ thi công dự án. Phía công ty cho rằng số tiền hỗ trợ, bồi thường này là quá thấp nên chưa nhận, khi chưa bằng 1/2 tổng vốn đầu tư ban đầu năm 2015 là 51 tỷ đồng. Do đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của doanh nghiệp và doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Tiếp theo là vấn đề thực hiện cam kết hỗ trợ giữa UBND huyện Vĩnh Linh và công ty. Ngày 2/10, UBND huyện Vĩnh Linh làm việc với công ty và hai bên đã ký biên bản cam kết. Theo đó, UBND huyện Vĩnh Linh cam kết với công ty các nội dung thuộc thẩm quyền gồm sớm có phương án hỗ trợ di dời tạm nhà máy sang vị trí liền kề để công ty duy trì sản xuất, thông báo công khai giá trị hỗ trợ cho công ty; xây dựng phương án di dời toàn bộ nhà máy tới vị trí mới khi được nhà nước cho thuê đất như tháo dỡ, lắp đặt, thay thế, bồi thường thiệt hại.
Các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và các sở, ngành; UBND huyện Vĩnh Linh sẽ tổng hợp đề xuất UBND tỉnh và các sở, ngành giải quyết những kiến nghị gồm: Giao đất vị trí mới có đầy đủ hồ sơ pháp lý, hình thể đảm bảo đủ điều kiện bố trí nhà máy; hoàn thiện đầu tư hạ tầng vị trí mới để công ty di dời nhà máy; bồi thường, hỗ trợ thiệt hại ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của cán bộ, người lao động. Công ty cam kết tự tháo dỡ, di dời tài sản và bàn giao mặt bằng thi công dự án trước ngày 10/10/2024.
Ngày 23/10, công ty kiến nghị UBND huyện Vĩnh Linh thực hiện những cam kết như trong biên bản ngày 2/10; khẩn trương bổ sung chính sách trình cấp có quyền giải quyết, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Ngày 15/11, UBND huyện Vĩnh Linh ra văn bản số 2582/UBND-HĐBT trả lời. Theo đó đã, đang xem xét giải quyết theo quy định, cụ thể, UBND huyện Vĩnh Linh đang thực hiện thủ tục thu hồi 4.000 m2 đất bổ sung giao cho công ty đảm bảo hình thể bố trí nhà máy; đang xây dựng phương án tháo dỡ, di dời, lắp đặt dây chuyền sản xuất, thiết bị đến vị trí mới; đã ban hành phương án tháo dỡ, di dời máy móc, thiết bị ra khỏi phạm vi giải phóng mặt bằng tuyến chính.
Máy móc, thiết bị của Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh) đã tháo dỡ chờ hỗ trợ để di dời. (Ảnh: TTXVN)
Đối với nội dung vượt thẩm quyền, ngày 16/10, UBND huyện Vĩnh Linh có Tờ trình 239/TTr-UBND gửi tỉnh Quảng Trị đề xuất hỗ trợ 15 tỷ đồng để san gạt mặt bằng vị trí mới là khu đất 6 ha đã được UBND tỉnh Quảng Trị cho công ty thuê đất và 3,8 tỷ đồng hỗ trợ các hạng mục xây dựng mới để duy trì sản xuất tạm. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Vạn Ninh -Cam Lộ.
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm đưa ra chính sách hỗ trợ công ty; nhất là hỗ trợ san gạt mặt bằng tại khu đất mới giúp doanh nghiệp di dời nhà máy sớm ổn định sản xuất, nhưng chưa có phương án thống nhất. Khu đất mới được UBND tỉnh Quảng Trị cho công ty thuê ở xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh cách nhà máy phải di dời 7 km. Khu đất đất này còn là đồi núi, có độ dốc lớn nên cần nguồn kinh phí lớn để san gạt mặt bằng. Do chưa có mặt bằng tại vị trí mới nên công ty chưa thể di dời nhà máy, mặc dù đã hoàn thành tháo dỡ toàn bộ máy móc, thiết bị và dây chuyển sản xuất hơn một tháng.
Ông Nguyễn Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị cho biết, việc đầu tư xây dựng lại nhà máy ở vị trí mới cần khoảng 2 năm mới có thể hoàn thành và đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư được tỉnh phê duyệt là 51 tỷ đồng. Do đó ngoài hỗ trợ kinh phí về san gạt mặt bằng, công ty còn đề nghị có chính sách hỗ trợ thiệt hại do ngừng sản xuất 2 năm; hỗ trợ dây chuyền, thiết bị, máy móc bị thiệt hại do tháo dỡ; hỗ trợ công nhân phải nghỉ việc. Công ty chỉ mong được hỗ trợ đúng theo quy định của pháp luật, để có nguồn lực tiếp tục tái đầu tư sản xuất.
Cơ sở để giải quyết
Ông Đoàn Xuân Tính, Phó Trưởng phòng Đo đạc, Bản đồ và Tài chính đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết, trường hợp của công ty là nộp tiền thuê đất hàng năm nên khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất, mà được ưu tiên cho thuê đất không qua đấu giá tại vị trí khác. Trên vị trí đất bị thu hồi, nhà nước tính chi phí di chuyển của công ty để bồi thường như: Máy móc và thiết bị hư hỏng không thể di chuyển được, máy móc và thiết bị tháo dỡ nhưng không thể lắp lại. Ngoài ra máy móc, thiết bị, dây chuyền không thể tháo dỡ bởi hư hỏng cũng được Nhà nước bồi thường thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại tính theo thực tế. Tổ chức bồi thường tiến hành khảo sát hiện trạng thực tế để bồi thường.
Về hỗ trợ doanh nghiệp san gạt mặt bằng tại vị trí đất mới, Luật Đất đai 2024 không cấm, đây là việc thực hiện chế độ bồi thường theo cách khác. Do đó căn cứ vào từng dự án, cơ quan giải phóng mặt bằng đề xuất hỗ trợ để đảm bảo sản xuất, ổn định đời sống theo quy định tại Khoản 2, Điều 108 Luật Đất đai 2024 là: "Ngoài việc hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều này, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản cho từng dự án cụ thể". Khoản 1 Điều này quy định hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất bao gồm: "Hỗ trợ ổn định đời sống; Hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ di dời vật nuôi; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp quy định tại Khoản 8 Điều 111 của Luật này; Hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời theo quy định tại Khoản 3 Điều 105 của Luật này".
Máy móc, thiết bị của Công ty cổ phần Lâm sản Quảng Trị (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh) đã tháo dỡ chờ hỗ trợ để di dời. (Ảnh: TTXVN)
Ông Đoàn Xuân Tính giải thích thêm về "căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương". Đó là việc hỗ trợ phải có nguồn kinh phí (kinh phí hỗ trợ, bồi thường cho công ty từ nguồn giải mặt bằng Dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ), thực tế công ty này sản xuất thật thì được Nhà nước hỗ trợ ổn định sản xuất. Về thẩm quyền quyết định hỗ trợ công ty, trước đây luật quy định thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hỗ trợ. Theo Luật Đất đai 2024 thẩm quyền này thuộcUBND tỉnh.
Ngày 1/10, tại cuộc họp của UBND tỉnh Quảng Trị về xử lý khó khăn, vướng mắc giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ đoạn qua công ty; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, pháp luật có thể quy định chưa cụ thể nhưng cũng không cấm, đồng thời còn có quy định do UBND tỉnh quyết định. Nhà nước thu hồi đất của công ty thì phải tạo điều kiện cho công ty sản xuất kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!