Hôm nay (10/8) đánh dấu 60 năm thảm họa da cam/dioxin tại Việt Nam. 6 thập kỷ đã qua, nhưng những hậu quả và di chứng để lại vẫn còn rất nặng nề.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có hơn 3 triệu nạn nhân của chất độc da cam, khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2 và 35.000 người thuộc thế hệ thứ 3. Qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả chất độc da cam thậm chí đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4.
Tổ chức Việt Nam Dioxin là 1 trong những tổ chức tại châu Âu tham gia tích cực các hoạt động truyền thông về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam và ủng hộ các nạn nhân.
Hội thảo, chiếu phim, tuần hành… nhiều hoạt động được tổ chức hàng năm đặc biệt nhân ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" đã thu hút rất nhiều người tham gia. Tất cả đều nhằm mục tiêu giúp cho công chúng hiểu hơn về hậu quả của chất độc da cam/dioxin.
Hội hữu nghị Pháp - Việt được thành lập từ năm 1961 đã luôn sát cánh cùng Việt Nam trong thời chiến và cả thời bình. Trong hơn 20 năm qua, các hoạt động ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam luôn nằm trong chương trình hành động của Hội.
Không chỉ ở Pháp, trên khắp thế giới, vấn đề chất độc da cam/dioxin được công chúng rất quan tâm.
Năm 2018, cuốn sách "Từ kẻ thù thành đối tác, Việt Nam - Hoa Kỳ và chất da cam" được ra mắt. Đây là kết quả sau gần 4 năm nghiên cứu, tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu của tiến sĩ Charles Bailey và tiến sĩ Lê Kế Sơn. Cuốn sách một lần nữa đánh thức câu chuyện về trách nhiệm và đạo đức trước hậu quả mà chất độc da cam để lại.
Trong những năm qua, nhiều hoạt động hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các hoạt động của nhiều hội, nhóm, cá nhân nhằm giải quyết vấn đề da cam đã được thực hiện.
Dù cho tới hiện tại, nỗi đau da cam vẫn còn hiện hữu, nhưng "điều quan trọng không phải là khi nào có thể khép lại câu chuyện buồn về chất da cam mà quan trọng là chúng ta phải làm gì để khép lại câu chuyện này".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!