“Rảnh rỗi” thời dịch COVID-19: Đừng “lạc lối” trên mạng xã hội, hãy là “những ngón tay ngoan”!

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 15/08/2020 15:26 GMT+7

VTV.vn - COVID-19 cướp đi của chúng ta nhiều thứ và cho lại rất nhiều người sự rảnh rỗi, theo đúng nghĩa đen.

"Đi lạc" trên mạng xã hội vì hay tin búp bê Annabelle "chạy trốn"

Nếu là tín đồ phim ảnh, bạn sẽ biết đến nhân vật búp bê Annabelle. Cộng đồng Twitter thế giới hôm 14/8 đua nhau truyền tin rằng "Búp bê Annabelle phiên bản đời thực đã biến mất khỏi viện bảo tàng". Ngay sau đó, Annabelle lập tức nằm trong danh sách các từ khóa được quan tâm nhiều nhất. Một số người còn thuyết âm mưu rằng việc này báo hiệu một năm 2020 diễn biến xấu. Dĩ nhiên, thông tin trên cũng nhanh chóng lan truyền trên Facebook của Việt Nam.

“Rảnh rỗi” thời dịch COVID-19: Đừng “lạc lối” trên mạng xã hội, hãy là “những ngón tay ngoan”! - Ảnh 1.

Ngay sau đó, nhiều trang báo quốc tế đã khẳng định đây là tin giả, nói rằng sự nhầm lẫn xuất phát từ bài trả lời phỏng vấn của một diễn viên cùng tên là Annabelle. Nữ diễn viên này nói về việc mình phải chạy trong khi quay nhưng vì lỗi dịch thuật của một trang tiếng Trung đã biến thành "Annabelle… chạy mất!".

Nếu búp bê Annabelle có "trốn cách ly" thật, thì tin rằng cũng không đến Việt Nam. Còn nếu đây là tin giả như một số báo quốc tế khẳng định thì may mắn dạng tin này cũng khó gây hậu quả gì. Nhưng nó là minh chứng rõ nhất cho việc sống trên mạng dễ bị dẫn dắt như thế nào. Càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội thì càng dễ "đi lạc".

Mùa dịch COVID-19, việc làm còn quan trọng hơn tiền lương...

COVID-19 cướp đi của chúng ta nhiều thứ và cho lại rất nhiều người sự rảnh rỗi - theo đúng nghĩa đen.

Tại Mỹ, theo số liệu tạp chí Forbes vừa công bố, tính đến cuối tháng 7, nước này có đến 30 triệu trường hợp rơi vào cảnh thất nghiệp, nghĩa là cứ 5 người lao động thì 1 người không có công ăn việc làm. Ngân hàng Thế giới tuần qua cũng cảnh báo đại dịch COVID-19 có thế đẩy thêm 100 triệu người trên toàn cầu rơi vào cảnh cùng cực.

Còn tại Việt Nam, số liệu mới nhất cũng cho thấy đang có 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh. Số người bị giảm thu nhập chiếm tới hơn 57%. Nhưng dù thế nào thì trong lúc này việc làm còn quan trọng hơn tiền lương.

“Rảnh rỗi” thời dịch COVID-19: Đừng “lạc lối” trên mạng xã hội, hãy là “những ngón tay ngoan”! - Ảnh 2.

Như trường hợp của anh Sơn ở Hải Dương, công ty không có đơn hàng nên anh chỉ đi làm 2 ngày/tuần, thu nhập giảm một nửa. Nhưng với anh Sơn đó vẫn còn là may mắn. Còn như chị Yến ở Hải Phòng, vì bị nghỉ việc từ hơn 1 tháng nay nên chị Yến đành mở tạm hàng nước ở đầu nhà để sống qua ngày.

Khi tiền tiết kiệm đã dần cạn, chị Yến hy vọng có thể quay lại làm công nhân, tuy vất vả nhưng ít nhất còn có đồng ra đồng vào... Một lao động mất việc có thể kéo theo cả gia đình họ lâm vào túng quẫn thế nhưng phần lớn lao động vẫn ở lại đô thị tìm cơ hội, không ai muốn về nơi họ từng ra đi vào lúc này.

Người giàu thành "con mồi" của kẻ lừa đảo trong mùa COVID-19?

Trong hoàn cảnh này mới thấy người nhàn lo nhiều, còn người bận vui nhiều. Còn nếu không muốn bận rộn mà vẫn vui thì chỉ có cách là bạn phải giàu sẵn, thậm chí một số người siêu giàu lại càng biết tận hưởng trong lúc khốn khó này.

Như tại Thái Lan, trong khi COVID-19 đang đẩy 8,4 triệu người vào cảnh thất nghiệp nhưng hoàn toàn miễn nhiễm với giới siêu giàu - những người chỉ chiếm 1% dân số nhưng sở hữu tới 2/3 của cải đất nước.

Chàng trai tên Yod là một ví dụ. Anh là doanh nhân ở Bangkok, vừa bỏ ra số tiền tương đương hơn 20 tỉ đồng để tậu một chiếc Lamborghini. Nắm bắt thú chơi này, các hãng siêu xe thậm chí còn mới tung thêm các mẫu xe cao cấp nhất cho thị trường Thái Lan. Và kết quả là vào cuối tuần trước, 1 đoàn 40 chiếc siêu xe gây náo loạn thủ đô, giữa lúc dịch bệnh u ám nhất. Với những người như Yod, cuộc khủng hoảng đang diễn ra chỉ như một cơn bão xa ở đâu đó, chẳng hề quét đến cửa nhà mình.

Dĩ nhiên, những người có điều kiện được quyền dành thời gian cho các mong muốn của mình. Nhưng chú ý rằng, họ cũng là những người dễ bị kẻ lừa đảo nhắm tới nhất.

Ví dụ như vụ việc nhà ngoại cảm "rởm" tên Vũ Thị Hòa vừa bị công an Vĩnh Phúc khởi tố. Đối tượng này cất công đào một hầm sâu phía sau nhà rồi cất giấu hơn 27 tấn vàng giả nói rằng là vàng tâm linh. Nhà ngoại cảm "rởm" sau đó đã dùng các khối đồng mạ vàng này kèm một loạt chiêu lừa đảo mê tín để chiếm đoạt gần 50 tỉ đồng của 2 gia đình. Khi bị phát giác là vàng giả, nhà ngoại cảm "rởm" còn xài chiêu làm đơn tố cáo ngược lại các nạn nhân là đã tráo vàng của mình để chiếm đoạt.

“Rảnh rỗi” thời dịch COVID-19: Đừng “lạc lối” trên mạng xã hội, hãy là “những ngón tay ngoan”! - Ảnh 3.

Số vàng giả được Hòa "phù phép" có giá hàng chục tỉ đồng

Hay một câu chuyện khác phổ biến hơn là bị lừa khi mua hàng qua livestream. Một chuỗi vòng cổ được quảng cáo là đá Rubi Nam Phi nhưng khi khách cầm về tay thì lại nhẹ như nhựa và đốt cháy khét lẹt. Chiếc vòng này khi được đem đi kiểm định cũng cho kết quả là chẳng phải ngọc hay đá tự nhiên.

Bán hàng qua livestream tuy không mới nhưng đúng là nở rộ từ khi có dịch. Ngoài lý do về hạn chế tiếp xúc, thời gian rảnh rỗi do COVID-19 tạo ra cũng đưa nhiều người tới với mạng xã hội hơn. Thậm chí, nhiều người còn si mê chiếc điện thoại và mạng xã hội đến mức thường xuyên tự quay cảnh mình thủ thỉ, rồi hôn chùn chụt vào chiếc điện thoại y như người yêu thật vậy.

Đáng nói nhất, nhiều trang báo mạng cũng bị kéo vào vòng xoáy thông tin trên mạng xã hội, đôi lúc còn chủ động khuấy cho nó xoáy thêm. Dĩ nhiên, đây là một nguồn thông tin rất tốt mà báo chí vẫn đang tận dụng mạnh. Nhưng nếu mọi chuyện gái trai, mọi bi kịch gia đình mà đều được mổ xẻ phân tích từng li từng tí thì một ngày chắc chắn cần có nhiều hơn 24 tiếng. Và quan trọng nữa, trong vòng xoáy thông tin đó luôn ẩn chứa những "lưỡi dao".

“Rảnh rỗi” thời dịch COVID-19: Đừng “lạc lối” trên mạng xã hội, hãy là “những ngón tay ngoan”! - Ảnh 4.

Cảnh giác với thông tin "hoành hành" trên mạng xã hội mùa dịch COVID-19

Truyền thông Mỹ vừa phải phát đi cảnh báo khi mới đây, 3 học sinh trung học tại bang Texas đã nhập viện vì ngộ độc thuốc dị ứng. Cả 3 học sinh này đã dại dột học theo trào lưu đang được giới trẻ nước này rầm rộ chia sẻ và thách thức nhau trên ứng dụng TikTok. Trào lưu nguy hiểm có tên là #Benadryl Challenge - nghĩa là thách nhau uống thuốc dị ứng để tạo nên ảo giác.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí y học và vệ sinh nhiệt đới Mỹ, những tin đồn, thuyết âm mưu, ngôn từ kỳ thị về dịch COVID-19 đang được lan truyền bằng 25 thứ tiếng, ở ít nhất 87 quốc gia trên cả mạng xã hội, báo điện tử và các loại website khác. Hầu hết những thông tin này xuất phát từ Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Indonesia và Brazil, chủ yếu bao gồm những lời khuyên về cách phòng chống bệnh vô căn cứ. Chẳng hạn như một thông tin rất phổ biến là uống cồn để diệt virus SARS-CoV-2. Vì thông tin này mà khoảng 800 người nghe theo đã thiệt mạng, gần 6.000 người đi viện, 60 người bị mù.

"Những ngón tay ngoan" gửi yêu thương đến "tâm dịch" miền Trung

Nếu thật sự có thời gian rảnh, thay vì luyện tập những ngón tay cơ bắp trên mạng xã hội, hãy khai báo y tế trực tuyến, rồi tải phần mềm Bluezone.

Khi nhiều người vẫn đang trăn trở biết làm gì khi phải nghỉ dịch thì có những công nhân tình nguyện làm công việc phun khử trùng, làm sạch từng căn nhà, con ngõ nhỏ có người nhiễm COVID-19. Thêm một người, thêm một cánh tay là khó khăn được san sẻ bớt.

Với chị Khuất Thị Hải Oanh - người sáng lập Quỹ "Mỗi ngày Một quả trứng", ngày ngày rong ruổi khắp các con phố của Thủ đô lúc trời đã nhá nhem tối, chị Oanh và các cộng sự đang tình nguyện thắp lên ánh sáng của lòng nhân ái trong mùa dịch. Chị Oanh và các cộng sự trao tặng những suất ăn, khẩu trang, nước rửa tay, thậm chí tìm phòng trọ cho người yếu thế. Với những việc làm ấy, Quỹ "Mỗi ngày một quả trứng" đang giúp người nghèo vừa no bụng lại vừa thấy ấm lòng.

“Rảnh rỗi” thời dịch COVID-19: Đừng “lạc lối” trên mạng xã hội, hãy là “những ngón tay ngoan”! - Ảnh 5.
“Rảnh rỗi” thời dịch COVID-19: Đừng “lạc lối” trên mạng xã hội, hãy là “những ngón tay ngoan”! - Ảnh 6.

Còn với chị Nguyễn Thanh Trà (Ba Đình, Hà Nội), chị đã biến đam mê đan móc thành hành động để gửi những chiếc tai giả đến tâm dịch miền Trung. "Cùng móc những chiếc tai giả gửi Đà Nẵng" là món quà tuy nhỏ bé nhưng đong đầy tình cảm của những người yêu thích đan móc gửi tới tuyến đầu.

Các y bác sĩ hãy cố lên, bởi đằng sau lưng luôn có cộng đồng tiếp sức!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước