Điều gì khiến cho rơm rạ, từ chỗ chỉ đốt bỏ sau vụ thu hoạch, giờ được thu mua mạnh như vậy? Câu trả lời không gì khác vẫn do nắng hạn. Đối với nông dân, trữ rơm là cách để cứu đàn trâu bò thoát cảnh đói trong thời điểm khô hạn này.
Dọc dài từ Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên rồi đến Bình Định, bất cứ thửa ruộng nào, ngay trong ngày thu hoạch, cũng có người đến tận ruộng để gom rơm.
Lượng rơm thu hoạch mỗi sào 500 m2, bán ra không dưới 100.000 đồng. Nhưng, không phải chủ ruộng nào cũng dễ dàng bán rơm vì họ cũng phải trữ rơm. Tất cả đều trông chờ vào lượng rơm trong vụ thu hoạch lúa Đông Xuân. Đây sẽ là thức ăn cho đàn bò suốt mùa nắng hạn.
Vụ lúa Đông Xuân này, diện tích lúa ở các tỉnh Nam Trung bộ giảm sút. Không dưới 20.000 ha phải ngưng sản xuất, kéo theo lượng rơm thu hoạch cũng giảm. Trong khi đó, hàng năm, đây luôn được xem là vụ lúa lấy rơm - theo cách nói của nông dân.
Theo nhiều chủ ruộng, tiền bán rơm có thể bù được tiền thuê máy thu hoạch. Rơm trở thành mặt hàng nóng đã giúp nông dân làm ruộng có thêm mặt hàng bán ra - một mặt hàng mà trước đây chỉ đốt bỏ. Nhưng rơm là mặt hàng nóng cũng khiến cho không ít nông dân chăn nuôi thêm tốn kém trong chi phí chống hạn. Rơm có đắt mấy cũng phải mua, bởi không mua làm sao cứu đói cho đàn gia súc khi nắng hạn vẫn còn kéo dài thêm nhiều tháng nữa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.