Thời gian gần đây, huyện miền núi Bảo Lâm, Cao Bằng xuất hiện hiện tượng người dân đào đãi vàng sa khoáng. Không chỉ ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên, môi trường, mà việc lọc tách vàng sa khoáng luôn gắn liền với các chất độc hại như thủy ngân, xyanua...
Nằm cheo leo trên đỉnh Lũng Vài, thứ đáng giá nhất trong căn nhà của gia đình anh Sơn là 2 máy nghiền quặng vàng. Một chiếc phá quặng thô, còn 1 chiếc để nghiền quặng tinh. Vay mượn gần 15 triệu đồng để mua máy, nhưng việc mót sái vàng ngày càng khó khiến cỗ máy nhiều ngày nay vẫn phủ bạt nằm một xó, trong khi tiền nợ vẫn chưa trả hết.
"Cái này lâu lâu mới làm một lần, làm liên tục thì không đủ tiền đổ tiền dầu, nên cũng không làm được", người dân chia sẻ.
Vào những lúc cao điểm, có tới cả chục người ăn nghỉ trên tấm phản rộng để thay phiên nhau đào đãi vàng. Quặng nghiền xong đến đâu phải xử lý ngay đến đấy, nên thủy ngân - thứ kim loại nằm trong top 10 nhóm hóa chất độc nhất hành tinh, lúc nào cũng có sẵn trong nhà anh Sơn để tiện cho việc phân tách vàng sa khoáng.
Lọ thủy ngân được anh Sơn mua với giá 600.000 đồng 1 lạng tại chợ huyện Bảo Lâm. Biết là độc hại, nhất là đối với trẻ nhỏ, nhưng gạo có thể chưa có, ở Lũng Vài nhà nào cũng có một vài lạng thủy ngân.
Tại một số vị trí, chất thải sau quá trình tuyển rửa không qua xử lý mà theo những đường ống nước chảy thẳng ra khe núi.
Với người dân tận thu vàng sa khoáng, một vài lạng thủy ngân đã là nhiều. Tuy nhiên, với quy mô sản xuất công nghiệp như ở mỏ vàng Khùng Khoàng, lượng thủy ngân sử dụng trong các dây chuyền có thể lên đến hàng chục kg. Tại một số vị trí, chất thải sau quá trình tuyển rửa không qua xử lý mà theo những đường ống nước chảy thẳng ra khe núi. Bên miệng cống xả thải của mỏ vàng, một gia đình đang cố tìm kiếm một vài vẩy vàng còn sót lại trong dòng nước thải.
"Vừa làm được một máng nhưng không có nữa thì về nhà. Đi làm tay thì đen sì nhưng chẳng được tí nào", một người dân cho biết.
Vì chẳng kiếm được tí gì nên bữa cơm trưa bên dòng nước thải chỉ đạm bạc. Gần đó, những đứa trẻ của một điểm trường mầm non cũng vô tư chơi đùa bên cạnh núi bùn thải của mỏ vàng Khùng Khoàng.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Quang, trên địa bàn xã đã từng xảy ra tình trạng gia súc chết do uống nước thải tuyển rửa vàng. Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Đông sau đó cũng đã phải đền bù thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên theo cán bộ địa chính xã, việc doanh nghiệp không cung cấp các giấy tờ tài liệu liên quan đến quá trình hoạt động khiến cơ quan chức năng xã Nam Quang lúng túng trong việc kiểm tra xử lý.
Những đứa trẻ của một điểm trường mầm non vô tư chơi đùa bên cạnh núi bùn thải của mỏ vàng Khùng Khoàng.
"Nó nằm trên địa bàn xã thì doanh nghiệp phải cung cấp các giấy tờ tài liệu liên quan, nhưng từ trước đến giờ em không thấy có các giấy tờ liên quan về đây", cán bộ địa chính xã cho hay.
"Theo quy định không được phép xả thẳng chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Ngay trong chiều nay chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra theo thông tin báo chí phản ánh", ông Nguyễn Tiến Linh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, cho hay.
Đoàn kiểm tra do lãnh đạo huyện Bảo Lâm thành lập đã đến ngay hiện trường, nhưng không hiểu lý do vì sao doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Đông đã tạm dừng hoạt động, tại các vị trí lắp ống xả không phát hiện ra hiện tượng xả thải trực tiếp ra môi trường.
Xã Nam Quang có 2 mỏ vàng lớn là Khùng Khoàng và Thẩm Riềm, đến thời điểm hiện tại, mỏ vàng Thẩm Riềm do doanh nghiệp tư nhân Thế Dũng khai thác cũng đã phải tạm dừng hoạt động do trước đây từng để xảy ra vỡ đập chứa chất thải.
Nỗi lo ô nhiễm từ mỏ vàng Phước Sơn VTV.vn - Người dân sống tại vùng hạ lưu nhà máy vàng Phước Sơn, Quảng Nam, rất lo lắng, bất an trước việc nước thải từ nhà máy đổ ra suối đục ngầu, xám xịt, gây ô nhiễm môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!