Rút BHXH một lần - Khoảng trống an sinh

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/08/2023 19:43 GMT+7

VTV.vn - Rút BHXH một lần là "quyền của người lao động" nhưng như vậy cũng là tự từ bỏ quyền được hưởng an sinh sau này.

Rút BHXH một lần là chủ đề luôn nóng nhiều năm qua. Từ 2016-2022, chỉ khoảng 6 năm mà đã có gần 5 triệu người rút BHXH một lần. Trong đó có đến 80% người rút ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi.

Rút BHXH một lần là "quyền của người lao động" nhưng họ cũng tự từ bỏ quyền được hưởng an sinh lâu dài của chính mình, sau này sẽ tạo gánh nặng cho Nhà nước, cho cộng đồng trong việc đảm bảo an sinh xã hội.

Đặc biệt, có doanh nghiệp cho biết là 90% lao động rút bảo hiểm không phải vì cấp bách rất cần tiền mà là để mua xe, điện thoại, xây nhà... phổ biến là nhiều lao động kể cả người trẻ.

Rút BHXH một lần - Khoảng trống an sinh - Ảnh 1.

Không làm công nhân là rút BHXH

Quảng Ngãi là nơi có nhiều lao động rút BHXH một lần khi rời các khu công nghiệp.

Đóng BHXH 9 năm ở Đồng Nai, Xuyến quyết định nghỉ việc và rút bảo hiểm để về quê. Xuyến cho biết cũng không có nhu cầu cần gấp tiền bạc gì nhưng chỉ nghĩ không đi làm công nhân nữa thì rút.

Còn chị Hiếu vào Nam làm công nhân được 5 năm, nghỉ việc để lập gia đình, chị Hiếu rút BHXH một lần được 30 triệu đồng về làm đám cưới. Trở về quê nhà, chị mới được tuyên truyền về Bảo hiểm xã hội tự nguyện, lúc này chị mới nuối tiếc. Nếu biết sớm thì chốt sổ khi dừng hợp đồng lao động rồi về quê đóng nối, giờ chị đã có 10 năm tham gia BHXH.

Gần 20 năm làm công nhân giày da ở TP Hồ Chí Minh, hơn 40 tuổi, mỏi mệt, chị Loan xin nghỉ việc và rút 40 triệu đồng đóng BHXH về quê mở tiệm tạp hóa. Giờ làm ăn ổn định, chị mới thấy tiếc bởi giờ này, nếu không rút mà đóng nối BHXH tự nguyện, chị đã đủ thời gian đóng và chờ hưởng hưu.

Khoảng trống khi chuyển từ bắt buộc sang tự nguyện là truyền thông. Nhiều lao động khi nghỉ việc, chuyển việc hoặc chỉ đơn giản là rời các khu công nghiệp về quê tìm sinh kế khác dù không có nhu cầu tiền bạc vẫn đi rút BHXH một lần vì nghĩ không quay lại.

Dễ dãi từ bỏ an sinh của chính mình

Cùng cần nhìn vào yếu tố nguyên nhân khiến nhiều người rút BHXH một lần, trong đó có cả quan niệm khác nhau về tích lũy tài sản. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy tỷ lệ lao động rút bảo hiểm từ tỉnh Thừa Thiên - Huế ra các tỉnh thành phía Bắc rất ít, trong khi các tỉnh thành còn lại khá cao.

Bên cạnh đó còn cả vấn đề trong việc giữ và kéo dài thời gian tham gia BHXH khi đã nghỉ việc, tức là sự kết nối từ bảo hiểm bắt buộc sang bảo hiểm tự nguyện.

Không khó để có lương hưu

Gần 1,3 triệu trong số 5 triệu người rút BHXH đã quay lại tham gia BHXH tự nguyện - tức là 1/4 số người rút quay lại đóng để có lương hưu sau này. Đây là con số tích cực nhưng trong số này, chủ yếu là lao động nữ.

Rút BHXH một lần - Khoảng trống an sinh - Ảnh 2.

Không làm công nhân, rời TP Hồ Chí Minh về quê lập gia đình thì rút bảo hiểm. Lúc đó, chị Sương chỉ nghĩ đơn giản là có chút vốn để làm ăn nhưng tiền vơi hết. Hiểu và tiếc nuối chuyện rút trước đây, chị lại tham gia BHXH ở quê mình.

Khi trở về địa phương, nhiều công nhân mới biết có BHXH tự nguyện và mới hiểu được giá trị của thời gian đã đóng. Nếu không rút BHXH 1 lần ở nơi mình làm việc thì giờ, nhiều người đã gần đủ số năm đóng để hưởng hưu trí.

Ngay cả nhiều lao động ở các vùng nông thôn, dù thu nhập không ổn định nhưng đã xác định là già phải có lương hưu và 1 tấm thẻ BHYT.

Chồng khuyết tật bẩm sinh, 2 con đi học, cả gánh nặng tài chính cuộc sống của gia đình trông vào nghề làm chổi của chị Mỹ. Ráo mồ hôi là ráo tiền, chị làm đủ việc, vay chỗ nọ đập chỗ kia để sống. Với nhà khác chỉ lo chắt bóp chi tiêu đủ ăn, nhưng lâu dài, chị biết phải có tích lũy bằng lương hưu. Mỗi ngày 10 nghìn đồng, chị cố gắng chắt chiu đóng BHXH tự nguyện.

Trong lúc nhiều lao động ở các khu công nghiệp vội vã rút BHXH một lần thì hàng trăm nghìn lao động dù thu nhập không ổn định đang chắt chiu để tham gia BHXH tự nguyện. Thay vì việc chuẩn bị một lúc vài trăm nghìn, nhiều người đã lựa chọn tiết kiệm 10.000 đồng/ngày để tham gia. Số tiền này tuy nhỏ nhưng là tích lũy để hướng tới một tuổi già không lo nghĩ và không dựa dẫm.

Để một tuổi già bình yên

Hàng triệu lao động tuổi từ 20 đến 30 tuổi, còn trẻ khỏe, đủ khả năng tạo thu nhập lại tiêu vào "của để dành", để rồi sau này khi về già lại trắng tay. Tuy nhiên, không nhiều người có thể nhìn xa đến như vậy. Thực tế, mỗi người cần tìm một chỗ dựa tuổi già cho mình và chỗ dựa này phải được xây dựng ngay từ khi còn trẻ hay nói như người già dạy con cháu là "trẻ không lo, già bạc tóc".

Rút BHXH một lần - Khoảng trống an sinh - Ảnh 3.

Với bà Lữ - một cựu giáo viên, lương hưu là điểm tựa quan trọng. Dù 80 tuổi nhiều bệnh vặt và cũng chỉ giúp cơm nước cho con cháu nhưng bà không lo lắng. Lương hưu giúp bà sống thoải mái nhiều năm. Vì thế, thương con trai, con dâu không có việc làm ổn định, bà dành dụm tiền hưu trí của mình để đóng BHXH tự nguyện cho cả 2 người.

Không lương hưu, một tuổi già khó yên là chuyện đang diễn ra với không ít người cao tuổi. Hơn 70 tuổi, bà Trị không có nơi ở đành về sống cùng em gái. Già, nhiều bệnh, bà loanh quanh giúp việc vặt trong nhà cho cháu và thỉnh thoảng bà con trong xóm nhờ bà làm việc trả công vì thương bà nghèo. Nếu không có nhà nước lo cho BHYT, họ hàng giúp đỡ thì bà không biết giờ mình sẽ thế nào.

Không ai muốn một tuổi già sống nhờ vả và không tích lũy nhưng để cảm nhận được điều này thì đã là quá muộn. Đóng BHXH khi còn trẻ để đảm bảo một tương lai khi về chưa già, đây cần trở thành suy nghĩ của mọi lao động khi bắt đầu đi làm.

72% người rút BHXH một lần nằm ở khu vực phía Nam và miền Trung. Số người rút BHXH một lần chủ yếu là công nhân. Đây là thông tin của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, Chính phủ đã trình 2 phương án và được Quốc hội đánh giá mỗi phương án có ưu điểm riêng. Do đó, đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của hai phương án này để hình thành một phương án.

Để giảm tình trạng rút BHXH 1 lần, dự luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết, mục tiêu sau này là 10 năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước