Tuy nhiên, khi mua sắm, không phải ai cũng biết mình mua được hàng thật hay hàng giả. Người dễ tính thì mặc kệ, chỉ cần mua món đồ mình thích là được, người khó tính sẽ kiểm tra xuất xứ, mã code, thậm chí yêu cầu quét thông tin mã vạch sản phẩm trên điện thoại. Cách này được nhiều người sử dụng, nhưng việc truy xuất sản phẩm thật, giả không đơn giản như vậy bởi mã số mã vạch cũng có thể làm giả được. Và việc đưa ra cách quét mã vạch để khẳng định sản phẩm của mình là hàng chất lượng, hàng thật là cách mà các trang Facebook lấy lòng tin của khách hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này là không có cơ sở.
Bên cạnh đó, có một số chiêu trò khiến nhiều người bị "sập bẫy" hàng giả, hàng nhái khác là khi mua sắm trực tuyến, mức giá và hình ảnh minh họa vô cùng hấp dẫn, hình ảnh để đúng tên thương hiệu lớn nhưng trên tiêu đề hiển thị lại có thêm một chữ cái khác phía sau…
Việc phân biệt hàng thật, hàng giả là không dễ dàng, phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố như tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ, hình dạng, kích thước được đăng ký sản xuất... Tuy nhiên, hàng không rõ nguồn gốc vẫn được mua bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Khi mua hàng trực tuyến, việc phân biệt hàng thật, hàng giả là rất khó. (Ảnh: Dân trí)
Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử hiện đang được sửa đổi, bổ sung với kỳ vọng sẽ có những quy định cụ thể hơn về thông tin hàng hóa, dịch vụ trên thương mại điện tử, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Theo thống kê, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử hiện tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng khách hàng truy cập các sàn thương mại điện tử cũng tăng trưởng khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày. Dự báo, doanh thu thương mại điện tử sẽ vượt ngưỡng 13 tỉ USD vào năm nay. Những con số khổng lồ cho thấy, "mảnh đất" thương mại điện tử sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!