Chỉ còn 1 tuần nữa, sẽ có khoảng 10.000 vận động viên, huấn luyện viên, quan chức thể thao và 10.000 cổ động viên, nhà báo, du khách từ nhiều quốc gia đến với sự kiện thể thao lớn nhất khu vực do Việt Nam đăng cai, được tổ chức tại 12 tỉnh thành. Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai SEA Games kể từ lần đầu vào năm 2003.
Cờ tổ quốc của các quốc gia thi đấu SEA Games 31 treo tại các khu vực trung tâm ở Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN
Bộ nhận diện của SEA Games 31 bao gồm biểu tượng các môn, linh vật Sao La, biểu trưng Cánh chim bay lên - Bàn tay chữ V và khẩu hiệu. Ảnh: TTXVN
SEA Games 31 không chỉ đơn thuần là một sự kiện thể thao mà còn là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực, đồng thời là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, đặc biệt là sự thân thiện, cởi mở, mến khách, ứng xử văn hóa văn minh của con người Việt Nam.
7 môn thi đấu của SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại nhiều điểm đến nổi tiếng của Quảng Ninh như Tuần Châu, Hạ Long, Yên Tử. Công tác tuyển chọn tình nguyện viên được địa phương này chú trọng, bởi đây chính là gương mặt đại diện tạo ấn tượng trực tiếp với khách quốc tế.
Những ngày này, 300 tình nguyện viên được lựa chọn từ trường Đại học Hạ Long đang được tập huấn chi tiết, tỉ mỉ về kỹ năng giao tiếp, phục vụ.
Phố cổ Hà Nội dự kiến sẽ là nơi thu hút bậc nhất du khách dịp SEA Games 31. Các cửa hàng lưu niệm đã chuẩn bị nhiều sản phẩm mới tôn vinh văn hóa truyền thống. Những chiếc váy áo, vỏ gối, túi in hình 54 dân tộc anh em, đồ lưu niệm thổ cẩm, những họa tiết thêu hoa sen tinh tế đặc trưng trên tà áo dài. Giá cả được niêm yết công khai.
Cụm mô hình SEA Games 31 đặt tại ngã 5 Ô Chợ Dừa. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Pano tuyên truyền SEA Games 31 trên cầu vượt đi bộ tại phố Tây Sơn. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Pano, áp phích tuyên truyền SEA Games 31 được đặt tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Các lực lượng tham gia đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường cho SEA Games 31 tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Từ 1 tháng nay, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức nhiều buổi tập huấn, chỉ đạo các cơ sở dịch vụ về văn hóa ứng xử, không chèo kéo, ép giá du khách. Ngay từ cuối tháng 3, thành phố đã ban hành riêng một chỉ thị về thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường hướng đến SEA Games 31.
Có thể bắt gặp hình ảnh quét dọn, trang trí đường làng ngõ xóm sôi nổi tại nhiều quận, huyện của Thủ đô. Tại huyện Đan Phượng, tổ dân phố Thụy Ứng, thị trấn Phùng, còn tự đóng kinh phí, lắp hàng chục chiếc camera mới để tăng cường giám sát an ninh trật tự.
Một kỳ SEA Games an toàn, sôi động, cầu nối quảng bá nét đẹp văn minh, thanh lịch của người Việt Nam có lẽ là mong muốn chung của tất cả các địa phương lúc này. Đó cũng là một nguồn lực cho phát triển, bởi theo các chuyên gia, sau những sự kiện lớn như SEA Games, du lịch dịch vụ sẽ được hưởng lợi tới 3 năm sau đó và quan trọng là tạo ấn tượng đẹp mãi trong lòng bè bạn quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!