Một tuần qua, sau khi mỗi ngày đều nhận được tin nhắn thúc giục việc chuẩn hóa lại dữ liệu trên sim điện thoại, nhiều người dân đã nghiêm túc và nhanh chóng thực hiện việc khai lại thông tin cá nhân của mình. Chỉ tính trong 3 ngày đầu tuần, từ 3-15/3, đã có khoảng 800.000 thuê bao của các nhà mạng tiến hành cập nhật thông tin theo yêu cầu.
Anh Nguyễn Văn Mạnh ở Hà Nội ra điểm giao dịch ngay gần nhà thực hiện cập nhật thông tin chính chủ, bởi sim của anh đang sử dụng lại là tên của một người khác. Sau khi khai thông tin, mọi thủ tục nhanh chóng, chỉ khoảng 15 phút đã xong.
''Tôi thấy đăng ký lại thế này rất là tốt. Nó khống chế, chặn những sim rác không có đăng ký, không chính chủ'', anh Nguyễn Văn Mạnh, phường Cống Vị, quận Ba Đình cho biết
Chị Ngân cũng nhận được tin nhắn cần cập nhật lại thông tin thuê bao. Trường hợp của chị chỉ là do thay đổi số căn cước công dân nên thay vì ra điểm giao dịch, chị có thể ở nhà, đăng nhập ứng dụng của nhà mạng, điền thông tin theo yêu cầu của hệ thống. Mất khoảng 10 phút chị đã cập nhật xong, giao diện dễ dàng thực hiện. Để kiểm tra số điện thoại của mình có thông tin thuê bao chính xác, chính chủ hay chưa, người dân có thể soạn tin nhắn TTTB gửi 1414.
Khi chiếc sim điện thoại là số liên lạc chính thức thì dĩ nhiên mỗi người không ngần ngại việc chuẩn hóa thông tin. Nhưng thực tế, không ít người cầm một lúc nhiều số máy và các số máy phụ lại được kích hoạt sẵn dưới tên người khác.
Khi những số máy đó trở thành công cụ để giấu danh tính trong việc làm phiền người khác thì xã hội thường gọi đó là "sim rác". Sim rác thường được sử dụng vào mục đích xấu như không ít vụ việc từng được nhắc tới là giả danh công an, giả danh cơ quan thuế hay giả danh tòa án để gọi điện đe dọa chiếm đoạt tài sản.
Trong khoảng 2 tuần qua nổi lên các cuộc gọi lừa đảo nhắm tới đối tượng là các phụ huynh. Hiện tượng này xuất hiện đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3 khi chỉ trong vài ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phát hiện 15 trường hợp phụ huynh bị kẻ xấu lừa đảo có con đang cấp cứu. Chúng mạo danh qua điện thoại là giáo viên hoặc bác sĩ để yêu cầu chuyển gấp viện phí để bệnh viện kịp cứu con. Tổng số tiền lừa đảo mà Công an TP Hồ Chí Minh tạm ghi nhận khoảng 800 triệu đồng.
Ngay sau TP Hồ Chí Minh, thủ đoạn này tiếp tục lan ra Đà Nẵng và Hà Nội. Có phụ huynh đã kịp thời xem báo đài trước đó để nhận diện được lừa đảo nhưng cũng có những phụ huynh vì quá hoảng loạn mà vẫn mắc bẫy trước hình thức lừa đảo vô nhân tính này. Khi truy xuất lại những số máy lạ đã gọi tới các phụ huynh cũng khó mà xác định được danh tính của kẻ lừa đảo.
Mạo danh thầy giáo, mạo danh bệnh viện để lừa gạt phụ huynh cũng chỉ là 1 trong rất nhiều vở kịch có thể dựng lên để chiếm đoạt tài sản. Khi các đối tượng đã nắm được thông tin của nạn nhân, kèm theo một chiếc sim rác thì thủ đoạn lừa đảo sẽ còn nhiều cách để biến tấu.
Sự lộng hành của các đối tượng sử dụng sim rác cho mục đích lừa đảo còn được thể hiện rõ hơn khi chính việc yêu cầu chuẩn hóa thông tin của các nhà mạng cũng trở thành cái cớ để chúng tiếp tục lừa đảo. Cụ thể, Bộ Thông tin và truyền thông đã vừa phải phát đi công văn đề nghị các nhà mạng nhanh chóng tuyên truyền tới người dùng về các kênh chính thức hỗ trợ việc chuẩn hóa thông tin thuê bao bởi đã xuất hiện cả các cuộc gọi lừa đảo tự xưng là người của Cục Viễn thông hoặc nhà mạng.
Thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng là sử dụng giọng nói tự động, giả mạo là người của Cục Viễn thông và nhà mạng gọi điện cho người dùng, thông báo số điện thoại của người dùng sẽ bị khóa trong 2 giờ nữa. Những đối tượng lừa đảo này cũng hướng dẫn người dùng nhấn phím cụ thể để biết thêm chi tiết.
Tiếp đó, người dùng sẽ bị yêu cầu cung cấp nhiều thông tin cá nhân như số Căn cước công dân, họ và tên đầy đủ để xác nhận tình trạng thuê bao, yêu cầu truy cập trang web, đường link bổ sung thông tin... Cục Viễn thông và nhà mạng khẳng định, các đơn vị này không thực hiện việc gọi điện tới người dân đe dọa khóa thuê bao hay yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để chuẩn hóa thông tin.
Chúng ta đều kỳ vọng vào việc từ sau ngày 31/3, khi các thông tin thuê bao được chuẩn hóa theo dữ liệu của Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ không còn hiện tượng dùng sim rác, dùng số điện thoại nặc danh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng thực tế hiệu quả của việc này đến đâu vẫn cần chờ thời gian trả lời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!