Đến hẹn lại lên, mùa nhập trường đang đến gần, ''tìm phòng trọ'' là chủ đề được các tân sinh viên quan tâm. Xu hướng sống trong phòng khép kín, đủ tiện nghi được nhiều bạn trẻ quan tâm. Để giảm chi phí thuê nhà, hình thức ở ghép được nhiều sinh viên tính đến. Tuy nhiên, chia sẻ không gian sống chưa bao giờ là điều dễ dàng, chưa kể sinh viên đứng ra thuê nhà còn đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là bị ''bùng'' tiền trọ.
Sợ không tìm được nhà trọ gần trường. Trần Anh Nhật (tân sinh viên) lên Hà Nội trước khi nhập học 3 tuần. Thay vì đi giữa mưa, giữa nắng tìm phòng, Nhật tìm trọ trên các hội nhóm, ưng, hẹn gặp chủ, sau đó tới tận nơi.
"Cuối tháng 8 này, mình phải nhập học. Lên sớm để ngó nghiêng đi chơi và mục đích chính vẫn là tìm phòng trọ. Điều kiện kinh tế của gia đình mình chưa cho phép mình ở một mình, sẽ phải lựa chọn ở ghép", anh Trần Anh Nhật, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, chia sẻ.
Chia sẻ không gian sống chưa bao giờ dễ dàng, nhưng nếu biết cách, người lạ sẽ hóa người thân. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Giảm chi phí trọ là lợi ích mà ở ghép đem lại, nhưng khi phải chia sẻ không gian riêng tư cho người lạ, khó tránh khỏi những bất đồng. Cực chẳng đã, nam thanh niên mới phải ''bóc phốt'' bạn trọ.
"Ở cùng nhau mới biết bao nhiêu tật xấu lộ ra hết. Dị ứng nhất là việc dùng khăn tắm, với dùng quần ngủ của mình. Nó cứ dùng, không hỏi ý kiến mình. Nợ một tháng, sang tháng thứ hai bạn ấy vẫn tiếp tục lấy lý do là lương chưa có, lương thấp… bất đắc dĩ lắm em mới up lên thôi. Như thế bạn ấy mới trả tiền cho em, chứ không cũng lặn mất tăm, mất tích", người bị ''bùng'' tiền trọ chia sẻ.
Tôn trọng cái riêng trong cái chung, tiền bạc phân minh, không nắm rõ, khó ở ghép lâu dài. Hiểu điều này, 2 năm bên nhau, chi phí trọ của những cô gái giảm được đáng kể. Người rửa bát, người gấp quần áo, ai cũng ý thức san sẻ công việc cho nhau. Một mình lên Hà Nội học, với họ, phòng trọ chưa đến 20 m2 còn hơn một nơi để về.
"Chúng em cũng nói rõ ràng quan điểm với nhau rằng là khi cả 4 đứa có người yêu thì đến chơi một chốc một lát thì được, còn nếu ngủ lại thì không", chị Trịnh Thị Phương Thảo, Thái Bình, cho biết.
"Khi sống chung với nhau, bọn em có những quy tắc được đặt ra để mình có thể hòa thuận được với nhau, sống với nhau lâu dài thì em cũng rất là vui lòng", chị Nguyễn Thị Diệu Linh, Thanh Hóa, nói.
Chia sẻ không gian sống chưa bao giờ dễ dàng, nhưng nếu biết cách, người lạ sẽ hóa người thân, là chỗ dựa tinh thần, vơi bớt nỗi lo mưu sinh của những người con xa quê.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!