Phức tạp hoạt động khai thác cát trên sông Hồng
Sông Hồng hay còn gọi là sông Mẹ. Từ hàng ngàn năm qua, đây được coi là con sông lớn nhất ở miền Bắc, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn. Câu chuyện biến dạng lòng dẫn cùng với những thay đổi bất thường của dòng chảy sông Hồng trong những năm gần đây đã được phóng viên phản ánh Chương trình Chuyển động 24h cách đây khoảng 4 tháng trước.
Tình trạng đáy lòng dẫn bị tụt thấp, dẫn đến mực nước cũng bị hạ thấp đã nhiều lần được Viện Quy hoạch thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra cảnh báo nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi hiện tượng này, nếu tiếp tục xảy ra sẽ tiếp diễn nhiều hệ lụy nghiêm trọng như xói lở ven bờ, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt; ảnh hưởng đến an ninh lương thực, gia tăng xâm nhập mặn ven bờ và ô nhiễm dòng sông; có thể khiến giao thông thủy tê liệt. Vấn đề nghiêm trọng như vậy nhưng dưới lòng sông là cát - một loại khoáng vật ngày một đắt giá, trong cơn khát nguồn cát phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế.
Lòng sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Chỉ một khúc sông, hiện có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. 1 tàu hút thì có 3-4 tàu chờ ăn hàng. Tàu này rời đi, lập tức tàu khác lại tấp vào. Cả khúc sông chẳng khác nào một đại công trường. Theo quy định, doanh nghiệp phải cắm mốc để nhận diện vị trí ranh giới mỏ được khai thác- nhưng tìm đỏ mắt cũng không thấy.
Khi phát hiện ống kính máy quay, các tàu khai thác này đồng loạt dừng hoạt động… Một số phương tiện lập tức rời khỏi hiện trường sau đó.
Ông Đoàn Minh Huân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cho biết: "Xã thường xuyên giao công an, cán bộ địa chính… kiểm tra xem có vào sát bờ hay không, hay nằm trong vị trí. Có Doanh nghiệp nào làm trái quy định chúng tôi sẽ báo cáo huyện, Sở và Phòng tài nguyên môi trường".
Chưa biết khi nào địa phương sẽ báo cáo - nhưng thực tế từ thời điểm tháng 10 khi chúng tôi ghi hình- trên bờ sông đã xuất hiện tình trạng sạt lở khiến hoa màu trôi sông.
Cách vị trí đó không xa, tại địa bàn xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, nhiều tàu hút công suất lớn còn thường xuyên áp sát bờ khai thác.
Trong khi địa phương "né tránh" cung cấp thông tin - thì hàng ngày cát ở lòng sông Hồng vẫn được khai thác và tiêu thụ bằng nhiều hình thức. Bán trực tiếp trên sông. Hoặc bơm thẳng lên bãi tập kết.
Trên giấy tờ, các doanh nghiệp đều được cấp phép khai thác với khối lượng khiêm tốn, dao động ở mức lần lượt là 17.000 m3, 40.000m3 hoặc 49.000m3 trong năm. Vậy với tốc độ và tần suất khai thác như trên thực tế- thì đơn vị nào sẽ giám sát và đảm bảo việc thực hiện của doanh nghiệp là đúng quy định pháp luật. Trong khi, tại địa bàn Phú Thọ, hiện đang có 17 doanh nghiệp được cấp phép khai thác trên dọc tuyến sông Hồng.
Tại một số nơi, dù không được cấp phép nhưng nhiều thời điểm cát tặc vẫn hoạt động rầm rộ … Như vị trí sông Hồng giáp ranh với xã Võng La, huyện Đông Anh đều đặn hàng ngày, cát tặc hoạt động từ 8 giờ tối đến 5-6 giờ sáng ngày hôm sau. Trong màn đêm hành vi ăn cắp khoáng dưới lòng sông đã hiện ra trước máy quay hồng ngoại…
Tàu hút đến đâu. Bờ bãi lở đến đó. Việc duy nhất mà những người nông dân này có thể làm hàng ngày là nhìn những gốc cam đang đến vụ thu hoạch… của mình sụp xuống dòng sông.
Cận cảnh công nghệ tàn phá đáy sông Hồng
Dù chưa có con số thống kê đầy đủ, trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều ổ nhóm tội phạm hoạt động khai thác cát trên sông Hồng đã bị Bô Công an và công an các địa phương triệt phá, bắt giữ hàng loạt đối tượng liên quan để làm rõ hành vi khai thác và tiêu thụ tài nguyên trái phép… Nhưng lợi nhuận khổng lồ vẫn khiến hoạt động phạm pháp này tiếp diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi trên sông. Những hình ảnh cận cảnh về công nghệ tàn phá đáy sông Hồng của các tàu khai thác cát tặc trong phóng sự sau đây sẽ khiến quý vị giật mình.
Thời điểm cơ quan cảnh sát đường thủy ập vào kiểm tra, đã trực tiếp bắt quả tang phương tiện này đang có hành vi hút cát trái phép trên sông Hồng. Không giống như các tàu hút cát thông thường được đăng ký và đăng kiểm theo quy định, chiếc tàu hút này đã được ông chủ hoán cải, thiết kế với công suất "khủng".
Trung tá VŨ GIA ĐỊNH, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hưng Yên: "Đối tượng lắp máy có công suất lớn. Ông hút to từ 300-350 để làm sao hút được hiệu quả nhanh nhất"
Hệ thống vòi hút cát đã được chủ tàu thiết kế với độ dài lên đến hàng chục m cùng hệ thống ròng rọc cơ động cho phép vòi hút khai thác cát dễ dang tiếp cận đến tận đáy sông. Đầu vòi hút được thiết kế bằng ống sắt dày, có chu vi đo được lên đến 80 cm. Nhưng chưa dừng lại ở đó, để gia tăng thêm được mức độ tàn phá đầu chõ hút được hàn thêm mũi nhọn hoắt mới chính thức là nỗi sợ của địa hình lòng sông.
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, trung bình mỗi năm, hoạt động khai thác cát đã lấy đi khoảng 12,4 triệu m3 cát ở đáy sông Hồng. Trong bối cảnh lượng phù sa được lưu chứa đáng kể tại hơn 50 hồ chứa ở bên kia biên giới và 263 hồ chứa tại thượng nguồn ở Việt Nam- càng khiến tình trạng xói lở ở đáy sông diễn ra mạnh mẽ hơn.
So sánh các mặt cắt đo năm 2019 và 2022 với năm 2010, đã thể hiện rõ: Trung bình lòng dẫn bị hạ thấp từ 2m đến 5m tùy từng vị trí. Nếu hoạt động khai thác cát thiếu kiểm soát, vượt quá mức tiếp tục diễn ra thì đáy sông sẽ ngày càng bị tụt thấp hơn.
Báo động tình trạng sạt lở bờ sông Hồng
Đất đai lở xuống sông bao nhiêu… Thì lòng sông lại tiến sát vào nhà dân bấy nhiêu. Cuộc xâm chiếm của dòng chảy sông Hồng bỗng dưng đẩy nhà cửa, đất đai của người dân đứng trước nguy cơ trôi sông. Hiện tại, có vị trí nhà dân gần nhất cách điểm sạt lở chỉ còn 25m.
Ông Nguyễn Đình Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Với tốc độ sạt lở hiện nay rất nghiêm trọng. Một thời gian sẽ sạt lở từ 8-10m. Nếu sạt vào khu dân cư việc di dời dân đến nơi an toàn gặp nhiều khó khăn"
Chẳng còn là nguy cơ nữa. Ở một vị trí khác, thuộc xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, bờ sông Hồng sạt lở trong phút chốc đã đẩy nhiều hộ gia đình lâm vào bi kịch, khi bất đắc dĩ thành người vô gia cư.
Dự báo trước nguy cơ sạt lở, cách đây một vài năm nhiều vị trí bờ sông đã được địa phương lập dự án, thiết kế xây dựng bờ kè kiên cố. Hàng chục tỷ đồng đã được đổ các tuyến đê kè này. Nhưng "người tính không bằng dòng nước chảy" tại một số vị trí, bờ kè đã không còn tác dụng, bị cuốn phăng hoặc sụp xuống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!