Chiều 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất với sự cần thiết ban hành Luật; cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Nhiều đại biểu đề nghị dự Luật cần được hoàn thiện theo hướng bổ sung các quy định chặt chẽ để bảo vệ môi trường từ các khâu thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trương cho đến cấp phép. Cho rằng vẫn còn nhiều lỗ hổng tiêu cực trong công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đại biểu đề nghị cần nâng cao hơn tính độc lập khách quan của hội đồng thẩm định.
"Đối với thành viên của Hội đồng thẩm định sẽ được lựa chọn một cách ngẫu nhiên trên danh sách chuyên gia môi trường được lập từ trước và điều này đã giảm sự phụ thuộc của thành viên đối với cơ quan chủ trì thẩm định. Vấn đề thứ hai, một số trường hợp có thể không được lựa chọn làm thành viên Hội đồng thẩm định như người tham gia quá trình lập báo cáo, người có quan hệ lao động với tổ chức được lập báo cáo không nên lựa chọn vào Hội đồng thẩm định này" - đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry nói.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry- Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu.
Ngoài ra trong dự thảo lần này đó cũng quy định tích hợp 7 loại giấy phép về môi trường và xả nước thải vào nguồn nước hiện có thành giấy phép môi trường, nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc tích hợp này có góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính.
Trước đó trong chiều nay, với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã thông qua nghị quyết phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018.
Cũng với tỷ lệ tán thành cao, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, để nhằm tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, Luật này quy định thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với dự án có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng, trừ dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo (từ 100 tỷ đồng).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!