Tài nguyên nước đứng trước nguy cơ suy thoái

Liên Liên, Minh Đức, Nam Việt-Thứ hai, ngày 03/06/2024 21:49 GMT+7

VTV.vn - Hàng năm, nhà nước phải bỏ một khoản chi phí lớn để xử lý và ngăn ngừa ô nhiễm, nhưng vì chưa xử lý được tận gốc nên các dự án đầu tư tài nguyên nước chưa đạt hiệu quả.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm nguồn nước đang làm giảm tới 1/3 tốc độ tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm nước có thể gây tổn thất ước tính lên tới 3,5% GDP mỗi năm tính đến năm 2035. Phát triển đô thị, xả nước thải công nghiệp chưa xử lý, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, cùng nhiều vấn đề khác đang gây ra những áp lực không ngừng đối với các nguồn nước.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề. Hơn 10 năm trước, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư hơn 8.600 tỷ đồng để cải tạo môi trường. Tuy nhiên, hiện tại, một số đoạn của kênh vẫn đối diện với tình trạng ô nhiễm.

Anh Nguyễn Văn Công, cư dân quận 4, TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Ở đây nó thối lắm, với lại quá lãng phí, tại vì Nhà nước đã bỏ ra rất nhiều tiền mà để như vậy. Theo tôi thì phải tìm giải pháp triệt để để không bị tái lại, chứ không Nhà nước lại phải bỏ thêm tiền để cải tạo lại".

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10km, chảy qua nhiều quận và đổ ra sông Sài Gòn. Dù đã được cải tạo, nhiều đoạn nhìn trông đẹp nhưng chất lượng nước lại bị ô nhiễm bởi toàn bộ lượng nước thải đô thị vẫn xả trực tiếp ra kênh và bơm thẳng ra sông Sài Gòn thông qua hệ thống cống ngầm mà chưa được thu gom, xử lý đúng tiêu chuẩn.

PGS.TS. Dương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định: "Cải tạo các dòng sông chỉ giải quyết vấn đề thẩm mỹ là cơ bản. Về chất lượng, họ cũng chỉ cải thiện trong 1-2-3 năm đầu tiên, sau đó lại gần như sẽ đâu vào đấy. Bởi vì hệ thống thải ra sông không thay đổi, chỉ có đường thoát thay đổi, còn lượng nước thải xả ra vẫn không thay đổi. Như vậy, đầu tư chưa hiệu quả".

Tình trạng tái ô nhiễm sau khi cải tạo vệ sinh không chỉ xảy ra ở Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà còn xuất hiện ở nhiều kênh khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Thực trạng này không chỉ lãng phí khi phải tiếp tục xử lý ô nhiễm mà còn ảnh hưởng đến tài nguyên nước sông Sài Gòn.

Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Chúng ta chưa coi trọng vấn đề bảo vệ, chỉ khai thác thôi. Trong Luật tài nguyên nước, chúng tôi đã cố định một điều liên quan đến hạch toán tài nguyên nước, tức là tính toán giá trị của tài nguyên nước trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Khi tính toán đầy đủ giá trị 1m3 nước trong nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và các hoạt động khác, sẽ giúp phân bổ tài nguyên nước hợp lý, đặc biệt khi hạn hán."

Tác hại mà ô nhiễm nguồn nước gây ra cho nền kinh tế là không hề nhỏ. Hàng năm, nhà nước phải bỏ một khoản chi phí lớn để xử lý và ngăn ngừa ô nhiễm, nhưng vì chưa xử lý được tận gốc là các nguồn phát thải trực tiếp ra các sông, suối, kênh, rạch…nên các dự án đầu tư cho tài nguyên nước thực sự chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Phục hồi nguồn nước bị suy thoái

Tình trạng sử dụng tài nguyên nước chưa hiệu quả cùng với ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lớn đến đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế. Nguồn nước liên tục bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng.

Chỉ tính riêng lĩnh vực xử lý nước thải đô thị, từ năm 2015 đến năm 2025, chính phủ cần đầu tư khoảng 8,3 tỷ USD. Đây là một con số khổng lồ đối với một quốc gia đang phát triển và cần nguồn lực lớn để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển.

Mạng lưới đường thủy của đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm các dòng sông chính, phụ lưu, hệ thống kênh rạch, chảy qua các khu công nghiệp, khu dân cư và các vùng tài nguyên, tạo nên sự kết nối, mang lại lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế. Đây là một trong những giá trị mà nguồn tài nguyên nước mang lại.

Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: "Sau 10 năm triển khai, chúng tôi nhận thấy rằng do chưa nhận thức được đúng giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, chúng ta chưa coi trọng vấn đề bảo vệ, chỉ chú trọng khai thác".

So với đường bộ, vận tải theo đường sông có khối lượng lớn, lịch trình ổn định và chi phí tiết kiệm hơn từ 30-40%. Đường thủy đáp ứng được tất cả mặt hàng cồng kềnh, siêu trường, siêu trọng, vượt trội hơn so với các phương tiện vận tải khác. Điều này cho thấy một phần giá trị của tài nguyên nước, từ đó đặt ra vấn đề bảo vệ và quản lý bền vững nguồn nước trước tình trạng ô nhiễm và suy thoái như hiện nay.

PGS.TS. Dương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước, nhấn mạnh: "Chúng ta phải làm càng sớm càng tốt. Có số liệu thì mới quản lý được, người dân mới biết mức độ ô nhiễm. Thiếu sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt đã dẫn tới kém hiệu quả trong việc khai thác và quản lý tài nguyên nước".

Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, cho biết: "Kiểm soát toàn diện từ bố trí cơ sở sản xuất kinh doanh đến kiểm soát nguồn phát thải là cần thiết. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều tỉnh trong lưu vực, đặc biệt là những tỉnh đầu nguồn".

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước chịu ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất. Quản lý tài nguyên nước là nhân tố hàng đầu cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Sự phát triển bền vững của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có bảo đảm an ninh nguồn nước.

Việt Nam là quốc gia mạnh về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ cũng đang dần vươn lên trong khu vực, lĩnh vực nào cũng cần tới nguồn nước. Đó là tài sản vô giá và cũng là thứ giúp chúng ta tạo ra nhiều giá trị kinh tế khác. Vì thế trân trọng nguồn nước, sử dụng hiệu quả, chế tài xử phạt mạnh tay với những kẻ làm ô nhiễm nguồn nước mới giúp chúng ta có được sự phát triển bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước