Tâm lý kỳ thị bệnh nhân COVID-19 kìm hãm hiệu quả phòng dịch

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 16/05/2021 19:08 GMT+7

VTV.vn - Kỳ thị người mắc COVID-19, người nghi nhiễm không chỉ tổn hại đến bản thân, gia đình họ mà còn là vi phạm pháp luật, cản trở nỗ lực phòng dịch của cả hệ thống chính trị.

Không ai muốn mình mắc COVID-19, không ai chủ động hay cố tình để mình trở thành F0 hay F1 và cũng chẳng có ai muốn rơi vào cảnh vừa mắc bệnh lại còn bị người khác trong cộng đồng kỳ thị nhưng qua mỗi đợt dịch, danh sách những người bị kỳ thị lại dài thêm.

Mới đây, câu chuyện về một nam sinh ở Bắc Ninh đi bê cỗ cưới thuê vào 30/4, không may mắc COVID-19 bị nhiều người kỳ thị được dư luận quan tâm. Nam sinh mắc COVID-19 có tên T. học sinh lớp 12A1 Trường THPT Kinh Bắc (Bắc Ninh), do điều kiện gia đình khó khăn và muốn có thêm thu nhập, em nhận lời bê cỗ cưới tại xã Mão Điền (Thuận Thành) vào chiều 30/4 với số tiền 230.000 đồng.

Hôm sau, xã Mão Điền ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19, T. và các bạn lập tức đi khai báo y tế tại Trạm y tế xã. T. được đưa đi cách ly tập trung tại khu cách ly T36 ở trung tâm huyện Thuận Thành ngay trong đêm, lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay sau khi mắc COVID-19, nam sinh này bị nhiều người kỳ thị, dùng những lời lẽ không hay “tấn công”.

"Em bị đả kích rất nhiều từ dư luận...đặc biệt từ xóm làng..Vì chúng em đi bê cỗ mà đưa dịch bệnh về cho làng xóm. Giờ em có giải thích như thế nào chắc cũng không thể được. Chắc khi khỏi bệnh về, em sẽ chỉ rúc ở trong nhà" - T chia sẻ với truyền thông.

Với nhiều trường hợp khác, khi 1 người mắc COVID-19, không chỉ cá nhân họ mà gia đình, dòng họ cũng bị tai tiếng. Họ bị mang cảm giác tội lỗi đã làm lây lan dịch bệnh cho xóm làng khiến cả làng bị cách ly, mọi công việc bị đình trệ. Thay vì được chia sẻ, cảm thông vì chẳng may mắc bệnh, họ lại phải chịu đựng lời ra tiếng vào.

Nỗi lòng của người từng mắc COVID-19

Sơn Lôi, Vĩnh Phúc là nơi xuất hiện ổ dịch COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam, cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường. Nhưng với bà Hoàng Thị Yên - bệnh nhân số 14 của Việt Nam và là thứ 9 của Sơn Lôi, không thể quên khoảng thời gian đó. Có lẽ sự kỳ thị, xa lánh và trách móc của những người trong thôn, trong xã là điều khổ tâm nhất.

Tâm lý kỳ thị bệnh nhân COVID-19 kìm hãm hiệu quả phòng dịch - Ảnh 1.

"Tất cả mọi người, anh em xa lánh, thậm chí kỳ thị, nói rất nhiều điều khó nghe. Mọi người gọi điện trách móc rằng vô ý thức thế này thế kia. Chúng tôi không biết nói gì hơn là xin lỗi mọi người", bà Yên chia sẻ.

Đặc biệt là Dự - cô gái trẻ hơn 20 tuổi - đã trở thành tâm điểm của mọi lời trách móc và nhiều người cho rằng vì cô đã khiến Sơn Lôi bị phong tỏa. Cùng chung cảnh ngộ, nên bà Yến rất thấu hiểu nỗi khổ, sự kỳ thị của mọi người.

"Cháu Dự có nói xin lỗi tôi. Tôi cũng bảo là việc này cũng chẳng ai có lỗi cả, cháu chẳng có lỗi mà tôi cũng chẳng có lỗi, bởi vì là bệnh tự nhiên nó đến", bà Yên cho hay.

Tâm lý kỳ thị bệnh nhân COVID-19 kìm hãm hiệu quả phòng dịch - Ảnh 2.

Với những nhân viên y tế của huyện Bình Xuyên, sự kỳ thị không chỉ đến với họ mà cả gia đình cũng bị kỳ thị xa lánh. Mệt mỏi trong công việc rồi cũng qua đi nhưng sự xa lánh, ghẻ lạnh của hàng xóm, người thân đã khiến nhân viên y tế đã có những lúc cảm thấy công việc của mình không còn ý nghĩa. Nhưng rồi, những nhân viên y tế lại cho rằng việc mọi người xa lánh mình cũng tốt, như vậy sẽ không bị lây bệnh.

Thông tin có trách nhiệm về bệnh nhân mắc COVID-19

Khi thực hiện phóng sự về phòng chống dịch ở nông thôn, nhiều người dân tâm sự với phóng viên rằng, chính vì sợ làng xóm gièm pha nên có khi có triệu chứng ho sốt cũng không dám ra trạm xá xã để khám, hoặc là có là F1, F2 cùng không dám khai báo. Rõ ràng tâm lý kỳ thị sẽ kìm hãm hiệu quả phòng dịch. Trong thời gian qua, cũng không ít lần, đời tư của người nhiễm hoặc nghi nhiễm bị phanh phui trên các phương tiện truyền thông.

Nhiều trang mạng xã hội, trang báo đã "truy sát" danh tính của những người bị bệnh. Thậm chí có những cá nhân còn tung tin thất thiệt, nhiều trường hợp bệnh nhân bị cộng đồng mạng săn lùng, suy diễn, công kích để thu hút sự quan tâm của mọi người. Khi các thông tin riêng tư của bệnh nhân mắc COVID-19 bị công khai như vậy đã để lại hậu quả tiêu cực.

Pháp luật đã quy định rất rõ về tôn trọng đời tư của người bệnh, không phải cứ muốn là được phép đưa:

- Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ".

- Điều 8 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định: Bệnh nhân có quyền được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Thông tin này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

- Khoản 3 Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: Thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.

Theo đó, thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp khi bệnh nhân đồng ý hoặc một số trường hợp khác do pháp luật quy định. Như vậy, việc cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, công khai danh tính của bệnh nhân khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế chưa công bố và chưa cung cấp là không đúng quy định của pháp luật. Hành vi vi vi phạm này có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xem xét, xử lý hình sự.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, người bị mắc COVID-19 không có nghĩa là họ đã làm gì sai. Do đó, đừng phân biệt đối xử với những người mắc bệnh này. Đoàn kết cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước