Tấn công trọng tài, chửi bới trên livestream...: Giải pháp nào dọn "rác" trên mạng?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 22/06/2021 19:14 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ là những dòng bình luận tục tĩu trên các diễn đàn, hội nhóm giờ đây, những clip chửi thề, vạch mặt "mọc" lên nhan nhản như nấm sau mưa.

Một trong những câu chuyện làm nóng các diễn đàn mạng gần đây là những phát ngôn quá khích, tấn công trọng tài Ali Sabah trên không gian mạng của một bộ phận cổ động viên bóng đá Việt Nam ngay sau trận cầu giữa đội tuyển quốc gia và đội tuyển UAE.

Trong thế giới số, mạng xã hội được xem như đời sống thứ hai của chúng ta tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt đẹp, không gian số ấy đang phơi bày những góc khuất, những mảng màu đen tối. Bày tỏ suy nghĩ, chính kiến là quyền của mỗi người nhưng khi đã phát ngôn, giao tiếp trên mạng thì không còn là câu chuyện của cá nhân. Chưa bao giờ, chúng ta chứng kiến xu hướng dùng mạng xã hội để kích động, tẩy chay và trả đũa nhau khốc liệt đến thế.

Chửi thề khi bình luận game, chửi thề khi livestream bán hàng... thậm chí dàn dựng cả bối cảnh, studio để chửi cho chuyên nghiệp và chửi qua chửi lại. Buồn thay, những clip này lại được theo dõi bởi hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn lượt khán giả trên mạng xã hội. Vòng xoáy phát ngôn gây thù ghét còn cuốn theo cả những người nổi tiếng.

Ranh giới giữa tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm và thóa mạ, xúc phạm người khác chưa bao giờ mong manh đến thế. Một nghiên cứu cho thấy, gần 80% người dùng mạng tại Việt Nam là nạn nhân hoặc biết tới những trường hợp phát ngôn gây thù ghét.

Xúc phạm người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự. Nhưng thế nào là xúc phạm thì lại chưa được nhận thức rõ ràng. Theo các chuyên gia, khi phát ngôn về ai đó, hãy tự hỏi nếu người thân của mình như vợ, chồng, con cái nhận được những lời ấy có bị tổn thương hay không. Nếu câu trả lời là có, tức là chúng ta đã xúc phạm ai đó.

Tấn công trọng tài, chửi bới trên livestream...: Giải pháp nào dọn rác trên mạng? - Ảnh 1.

Có một nhà nghiên cứu văn hóa đã phải đau đớn thốt lên'' mạng xã hội là một cái chợ, người nói ẩn hình, tràn lan chửi rủa, lừa lọc, hành xử vô văn hóa". Nhận định đó đúng nhưng chưa đủ khi giờ đây, nhiều người công khai xuất hiện trên mạng để chửi tục, cãi lộn, phát ngôn bừa bãi.

Khi các nền tảng mạng xã hội có chức năng livestream - phát trực tiếp, không ít người, thậm chí là người nổi tiếng đã coi đó là một quyền năng mới để thỏa sức thốt ra những lời lẽ không thể khó nghe hơn.

Việc văng tục giờ như một thành tố để câu like, câu view. Văng tục càng nhiều, lượt theo dõi càng lớn. Lời lẽ bậy bạ được dùng như một cách để thể hiện bản thân, trở thành xu hướng bình luận trên không ít trang mạng. Sẽ ra sao khi sự thiếu chuẩn mực, lời nói khiếm nhã thô tục lại trở thành một thứ mốt trên môi trường mạng mà ai ai cũng có thể nghe, phải nghe, bị nghe?

Trên không gian mạng, một người nói có thể cả triệu người nghe nhưng không đối diện một cách trực tiếp nên có thể họ cảm giác được thỏa sức nói gì cũng được. Nhưng nói mà gây hại người khác, tổn hại đến lợi ích cộng đồng thì phải chấn chỉnh và xử phạt.

Đời sống trên mạng xã hội cũng cần được điều chỉnh, quản lý bằng luật pháp và những bộ quy tắc ứng xử. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử như một giải pháp mềm để mỗi người hiểu về trách nhiệm của bản thân khi tham gia mạng xã hội. Để dọn dẹp "rác" trên mạng cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng lẫn cộng đồng bằng những giải pháp đồng bộ.

Bộ Công an đang làm rõ động cơ, mục đích vụ tấn công mạng Báo Điện tử VOV Bộ Công an đang làm rõ động cơ, mục đích vụ tấn công mạng Báo Điện tử VOV

VTV.vn - Chia sẻ trong buổi họp báo chiều 21/6, đại diện Bộ Công an cho biết Bộ đang khẩn trương điều tra làm rõ động cơ, mục đích tội phạm khi tấn công Báo Điện tử VOV.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước