Tăng cường công tác quản lý chất lượng nghiên cứu ứng dụng tế bào

Cung Nguyễn-Thứ bảy, ngày 21/09/2024 11:30 GMT+7

VTV.vn - Nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào đã bước đầu đưa ra các phác đồ mới, cung cấp thêm cho thầy thuốc các lựa chọn để áp dụng vào công tác khám, chữa bệnh.

Nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Y tế - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Đảm bảo chất lượng nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam.

Hội nghị được chủ trì bởi TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức – Thứ trưởng Bộ Y tế, với sự tham gia của các đại biểu đến từ các Cơ quan quản lý, Hội nghề nghiệp, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trong cả nước.

Hội nghị đã đánh giá thực trạng, kết quả hoạt động nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và các sản phẩm từ tế bào giai đoạn 2020-2024; thống nhất hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và các sản phẩm từ tế bào; tăng cường công tác quản lý chất lượng nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam.

Hội nghị ghi nhận trong những năm vừa qua, hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo ngành y tế đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Trong đó, công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, kỹ thuật mới, phương pháp mới nói chung và nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào đã bước đầu đưa ra các phác đồ mới, kỹ thuật mới, sản phẩm mới có tiềm năng, cung cấp thêm cho thầy thuốc các lựa chọn để áp dụng vào công tác khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng nghiên cứu ứng dụng tế bào - Ảnh 1.

Hội nghị được quan tâm của nhiều chuyên gia và các đại biểu đến từ các đơn vị chuyên môn.

Để đảm bảo khía cạnh khoa học và đạo đức trong nghiên cứu, đảm bảo tính an toàn, hiệu quả của các nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào, đảm bảo quyền lợi người tham gia nghiên cứu, các đại biểu tham dự Hội nghị đến từ các Cơ quan quản lý, Hội nghề nghiệp, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trong cả nước đã nhất trí cao với việc các nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào cần được quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện theo quy định tại Luật Dược 2016, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh, Thông tư 32/2023/TT-BYT của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị định này.

Ông Nguyễn Hải Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ Tế bào Mescells chia sẻ: "Hiện tại ở Việt Nam đã có một số đơn vị có sự đầu tư khá là bài bản cho công nghệ tế bào với hệ thống phòng lab, trang thiết bị hiện đại có tham gia vào các nghiên cứu, có thử nghiệm lâm sàng. Hội nghị có sự hướng dẫn về mặt các chính sách, cách kiểm định, đánh giá chất lượng tế bào nhằm giúp cho các đơn vị y tế có nhìn đúng đắn, cũng như là có cách làm đúng để làm công nghệ tế bào này một cách chuyên sâu và chính thống."

Tại hội nghị, đại diện Mescells và đại diện Hội Y học tái tạo và trị liệu tế bào Việt Nam đã đóng góp thảo luận cho nội dung tiêu chuẩn tế bào phục vụ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, nhằm mục tiêu đảm bảo tính an toàn, hiệu quả của các nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào. Cùng thúc đẩy công tác nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào phát triển đúng hướng, tuân thủ quy định pháp luật, hội nhập với khu vực và thế giới, đem lại nhiều kết quả thiết thực hơn nữa để phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước