Thanh Hóa chủ động phòng, chống thiên tai trước mùa mưa, bão

PV-Thứ sáu, ngày 24/05/2024 19:22 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024.

Trước dự báo tình hình thời tiết, thiên tai trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp, bất thường và cực đoan, để chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản, nhất là trong mùa mưa, bão sắp đến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự. Trong đó, tiếp tục triển khai nghiêm các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự, xác định phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cấp bách, thường xuyên, liên tục; từ đó lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, khu vực ven biển để điều chỉnh, cập nhật, hoàn thiện các phương án ứng phó thiên tai, đặc biệt là phương án sơ tán/di dời dân đảm bảo khả thi, phù hợp thực tế, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người do chủ quan; tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, chống úng, chống hạn; quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng bãi sông, lòng sông, các hoạt động khai thác khoáng sản, thanh thải vật cản bảo đảm không gian thoát lũ của các tuyến sông.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thảm họa, thiên tai, sự cố cho người dân; đa dạng hình thức truyền thông phù hợp từng đối tượng; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng...; nâng cao năng lực ứng phó thảm họa, thiên tai, sự cố, chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ứng phó...

Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư.

Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm đã được giao, nguồn lực từ ngân sách của đơn vị và các nguồn vốn hợp pháp khác cho công tác phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS; có giải pháp huy động nguồn lực, đặc biệt nguồn lực ngoài ngân sách để khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, sự cố.

Những năm gần đây, thiên tai diễn biến bất thường, gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và sự chủ động của người dân, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra từ năm 2020 trở lại đây được giảm thiểu, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tại Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế, đặc biệt khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố phức tạp, công tác chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; phương châm "4 tại chỗ" chưa được quan tâm đầy đủ, có nơi còn thực hiện hình thức... Bên cạnh đó, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng tại tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của thiên tai; còn thiếu trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và vẫn còn tình trạng bất cẩn, chủ quan dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc về người...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước