Thuốc Immuno-globulin tiêm tĩnh mạch được xem là một trong những thuốc hỗ trợ điều trị hiệu quả đối với những trường hợp trẻ mắc tay chân miệng nặng, giúp giảm tỷ lệ chuyển độ nặng.
Trước đó, Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế đã cấp giấy chứng nhận xuất xưởng cho 6.000 lọ thuốc nhập khẩu. Thuốc được điều chế trực tiếp từ huyết tương người nên việc sản xuất sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung thông qua hiến máu. Trong khi đó, 2 năm qua, nguồn cung trên toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng do dịch COVID-19.
Hiện nhiều tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long như: Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... đang gia tăng số ca mắc tay chân miệng, có nơi vượt ngưỡng dự báo dịch.
Tính đến ngày 25/6, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã có hơn 100 ca bệnh tay chân miệng đang nằm viện. Bình quân mỗi ngày có khoảng 25 ca nhập viện, khoảng 40% trong số đó chuyển tới từ các địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... Số ca nặng tăng nhiều so với năm 2022. Ở một số địa phương xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị.
Nhiều trẻ biến chứng viêm não, thần kinh do tay chân miệng
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng vừa tiếp nhận điều trị 2 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng có biến chứng viêm não. Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám. Trong đó có gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị, với khoảng 20-30% là nhiễm virus EV71 gây bệnh nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bộ Y tế có thông tin cảnh báo nguy cơ mắc tay chân miệng ở người lớn vì hầu hết không có triệu chứng lâm sàng do đó dễ lây lan sang trẻ em. Còn về tình trạng thiếu thuốc điều trị, Bộ cho biết nguyên nhân là do khan hiếm nguồn nhập khẩu, tình hình này sẽ được cải thiện từ đầu tháng 7 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!