Ảnh minh họa.
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ngày 19/5, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vì Nghị định 86 đã hết hiệu lực, Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc phải thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ đó là đề xuất tăng học phí.
Theo ông Hồ Tấn Minh, mặc dù thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ (về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ban hành ngày 27/8/2021) nhưng do đại dịch COVID-19, đến năm học này, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên học phí theo mức cũ của Nghị định 86.
Đến thời điểm hiện tại, Nghị định 86 quy định về học phí của các cơ sở mầm non, phổ thông công lập đã hết hiệu lực, mặc dù là thời điểm nhạy cảm, cuộc sống của nhiều người dân vẫn chưa phục hồi như thời kỳ trước khi dịch bệnh bùng phát, nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo bắt buộc phải đề xuất mức học phí mới theo Nghị định 81. Việc đề xuất này là sự chuẩn bị cho kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7/2022.
Trước việc dư luận bức xúc vì mức học phí mới tăng gấp 5 lần ở bậc trung học cơ sở và gấp hơn 2 lần cho bậc trung học phổ thông, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở vẫn đang đề xuất với thành phố mức "sàn" học phí thấp nhất trong khung của Nghị định 81. Bên cạnh đó, Sở vẫn tiếp tục đề xuất miễn giảm học phí cho học sinh trung học cơ sở dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!