Trước nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của siêu bão Yagi (bão số 3), sáng 6/9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp chỉ đạo các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn.
Các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh (Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội); Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì cuộc họp.
Báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương... cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng trực, bố trí con người và phương tiện để ứng phó các tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của bão số 3, như: sẵn sàng hàng nghìn người và hàng trăm phương tiện làm nhiệm vụ tiêu thoát nước, chống úng ngập; bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu, không để tăng giá; duy trì hệ thống điện an toàn; các hồ trên địa bàn cũng đã hạ xuống mức thấp cần thiết...
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường không tổ chức học, kể cả học thêm vào thứ Bảy (7/9). Công an thành phố đã bố trí lực lượng trực bảo vệ trật tự an ninh trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các địa điểm trọng tâm, trọng điểm.
Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo các lực lượng và phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc họp.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở vào cuộc tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống bão một cách chủ động, đồng bộ, toàn diện với phương châm "4 tại chỗ"; trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...
Các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm các kế hoạch, phương án theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, tập trung hỗ trợ các địa phương, các địa bàn chịu ảnh hưởng lớn của bão và hỗ trợ nhân dân; duy trì hoạt động liên tục của các cơ sở, hạ tầng thiết yếu, nhất là thông tin liên lạc, cơ sở y tế...
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh lưu ý các cấp, các ngành, các báo, đài, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phối hợp phòng, chống lụt bão; bảo đảm không xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan, nhưng đồng thời không hoang mang, sợ hãi.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy theo phân công phụ trách địa bàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão bảo đảm hiệu quả cao nhất; phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!