Thất thoát đất rừng vì buông lỏng quản lý
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách nhà nước có thể thu về 248.000 tỷ đồng nếu cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước thành công… Tuy nhiên, tình trạng "vỡ kế hoạch", chậm và khó hoàn thành các chỉ tiêu tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian qua đã cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp nhà nước có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai, nhưng định giá đất chưa phù hợp, chuyển nhượng đất sai luật, thất thoát đất không qua đấu thầu, đấu giá…
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) được xem là 3 "ông lớn" thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được giao quản lý hàng trăm nghìn ha đất nông, lâm nghiệp và đất phi nông nghiệp ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, nhưng đã làm thất thoát những khu đất vàng, đất kim cương có vị trí đắc địa tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng...
Sai phạm nhiều nhất là giai đoạn phải xử lý sắp xếp lại gần 850 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam quản lý.
"Điều này đã gây bức xúc trong dư luận. Trong suốt nhiều năm qua, tình trạng cổ phần hóa rất chậm so với tiến độ, không đạt yêu cầu đề ra, cũng có một phần nguyên nhân của việc trước đây cổ phần hóa gây ra nhiều thất thoát nên bây giờ nhiều đơn vị, nhiều chủ thể họ sợ không dám làm nữa", Luật sư Nguyễn Danh Huế, đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết.
Những cánh rừng tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang - nơi thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp với người dân. Nguyên nhân chính là do trước đây các lâm trường quốc doanh được giao đất, nhưng để đất hoang hóa nhiều năm, không khai thác hiệu quả hoặc đã giao khoán cho người dân và bị người dân lấn chiếm.
Do yếu tố lịch sử để lại khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc thu hồi đất đai. Đây được xem là một trong những yếu kém được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Cũng vì vậy, 3 tổng công ty nhà nước này có đến gần 20.000 ha đất bị lấn chiếm trong tổng số 180.000 ha đất tại 30 tỉnh, thành xảy ra sai phạm, tồn tại cần xử lý.
Việc tranh chấp đất lâm nghiệp với hàng trăm hộ dân xảy ra thường xuyên và để các đơn vị này thu hồi lại được đất của nhà nước chắc chắn sẽ còn là quãng đường dài.
Bất thường chuyển quyền sử dụng "đất vàng"
Gần 220 đơn vị thuộc 20 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước đã bị điểm tên trong báo cáo tài chính của Kiểm toán Nhà nước với nhiều vi phạm khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề quản lý sử dụng đất đai còn nhiều bất cập và các đơn vị này chưa tận dụng, phát huy hết lợi thế nguồn lực từ đất được giao quản lý và sử dụng với diện tích rất lớn, với nhiều vị trí "vàng", "kim cương" nằm ở trung tâm các tỉnh, thành phố.
Tại số 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, khu đất bám mặt phố chạy dài qua 2 ngã tư, người dân ở khu phố này cho biết, mức giá mỗi m2 mặt phố đang giao dịch thị trường có sự chênh lệch rất lớn, gấp 5 - 6 lần với mức giá nhà nước đang áp dụng.
Sau nhiều lần tranh chấp, cần tới chính quyền và người dân tham gia hòa giải đã lộ ra việc mảnh đất vàng của nhà nước giao cho Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam quản lý bỗng dưng biến thành tài sản của một doanh nghiệp tư nhân là Công ty Cổ phần Thương mại Lâm sản Hà Nội, thậm chí họ đã được cấp sổ đỏ từ lâu.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, mảnh đất 67 Ngô Thì Nhậm đã được Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 2 đơn vị là Tổng công ty Lâm nghiệp và công ty con của Vinafor là Công ty Thương mại Lâm sản Hà Nội từ những năm 2003 - 2004 đã nhiều lần có văn bản xác định khu đất là tài sản nhà nước giao cho Tổng công ty Lâm nghiệp quản lý sử dụng. Tuy nhiên không hiểu bằng cách nào, tháng 2/2007, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cấp đổi tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước là Công ty Thương mại Lâm sản Hà Nội sang Công ty Cổ phần Thương mại Lâm sản Hà Nội.
Bản cáo bạch của Vinafor thể hiện, tổng công ty này có tài sản là gần 350 m2 sàn tầng 1 khu nhà 3 tầng tại số 67 Ngô Thì Nhậm. Năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện thủ tục đổi tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất này cho Vinafor Hà Nội là có vi phạm. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra những sai phạm tương tự.
"Thiếu minh bạch trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức cá nhân tham nhũng, gây thất thoát tài sản công", ông Nguyễn Giang Sơn, Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 6, cho biết.
Thanh tra Chính phủ kết luận việc chuyển đổi khu đất nhà nước sang cho pháp nhân khác là vi phạm quy định của Chính phủ và Luật Đất đai, đồng thời đã yêu cầu các đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu để cơ quan chức năng điều tra, xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai sai quy định tại 67 Ngô Thì Nhậm. Tuy nhiên tới nay, chưa có đơn vị nào bị xử lý sai phạm, còn mảnh đất với mặt tiền to rộng, kéo dài kín mặt phố cứ nằm yên không phát huy hiện quả.
Trục lợi hàng nghìn tỷ đồng từ đất đai VTV.vn - Nhiều khu "đất vàng" về mặt pháp lý là của Nhà nước nhưng đã được biến báo, nhào nặn, không qua đấu giá rồi được chuyển đổi sở hữu cho những pháp nhân khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!