Dự thảo hướng dẫn đưa ra 2 nhóm chỉ số để đánh giá mức độ lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Cụ thể, có 5 chỉ số, điều kiện đánh giá cơ bản. Trong đó, 3 chỉ số bắt buộc đó là:
+ 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine;
+ 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có 2 bình oxy và 100% huyện xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động;
+ Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng; bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu trên tổng số ca bệnh.
2 chỉ số phân loại cấp độ dịch: Số ca mắc mới/100.000 dân/tuần và tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19.
Căn cứ vào các chỉ số này, các địa phương có thể phân loại các cấp độ dịch, gồm 4 cấp: nguy cơ thấp; nguy cơ trung bình; nguy cơ cao; nguy cơ rất cao.
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết: "Thích ứng an toàn có nghĩa là chúng ta không theo đuổi mục tiêu không có ca mắc COVID-19 mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng nhưng phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân, tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân".
Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, đây là sẽ hướng dẫn khung, trên cơ sở đó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương tự đánh giá cấp độ dịch tại cấp xã hoặc quy mô nhỏ hơn như thôn, xóm, tổ, đội, khóm, ấp, từ đó đưa ra các biện pháp tương ứng gồm biện pháp hành chính, biện pháp y tế cũng như biện pháp đối với cá nhân người dân.
Hiện dự thảo hướng dẫn vẫn đang được tiếp tục lấy ý kiến trên tinh thần tiếp thu hoàn chỉnh, Bộ Y tế sớm trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng với TP Hồ Chí Minh,trong cuộc họp báo ngày 26/9, lãnh đạo TP cho biết, do dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" còn một số điểm chưa phù hợp với địa bàn nên thành phố sẽ kiến nghị Thủ tướng áp dụng quy định riêng để mở cửa nền kinh tế sau ngày 1/10.
Theo văn bản gửi Thủ tướng, thành phố có 2 đề nghị đó là là cho phép thành phố áp dụng quy định riêng để thực hiện quyết định của Thủ tướng từ đó có thể mở cửa nền kinh tế. Thứ hai là quan tâm ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định.
Không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, Dự thảo hướng dẫn "thích ứng với đại dịch" mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp. Một số hiệp hội nêu ra một số điểm chưa hợp lý như: một số quy định vẫn giữ chủ trương "Không COVID" mà chưa theo chủ trương mới "Sống an toàn với COVID-19", vẫn cấm người từ "vùng đỏ" đi các vùng khác, yêu cầu F1 phải cách ly 28 ngày và quy định xét nghiệm cho lái xe cả lúc vào và lúc ra vùng dịch…
Theo các chuyên gia, vùng nào tiêm xong sớm thì mở cửa hoàn toàn sớm kể cả "vùng đỏ", chỉ cần hạn chế các hoạt động xã hội và dịch vụ không thiết yếu tùy theo chỉ số lấp đầy giường bệnh. Việc hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh, hạn chế các hoạt động kinh tế, giao thông công cộng như trong Dự thảo là không cần thiết. Cần cho phép những người đã có thẻ xanh COVID được phép tự do đi đến các vùng khác, miễn là phải đảm bảo 5K, có thể cần thực hiện thêm xét nghiệm virus âm tính trong vòng 72 giờ, như vậy thì sản xuất, kinh doanh mới trở về bình thường được.
Công nhân Bến Tre làm việc trở lại sau thời gian giãn cách (Ảnh minh họa:TTXVN)
Điều các doanh nghiệp đang mong chờ là tạo cho họ một một không gian hoạt động thông thoáng. Dự thảo Bộ Y tế đang lấy ý kiến cần là bộ khung để doanh nghiệp có sơ sở phát huy tính chủ động của mình chứ không phải đề ra những yêu cầu quá khắt khe, cản trở quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Những tháng qua, do dịch bệnh phức tạp, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 1.200 doanh nghiệp, hiệp hội trong cuộc họp với Thủ tướng Chính Phủ và các bộ, ban, ngành đã đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề từ những vướng mắc về ách tắc trong lưu thông hàng hóa, tiêm vaccine, nhập cảnh của chuyên gia; việc thiếu nhất quán khi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc... và đề nghị có những cơ chế, chính sách đặc thù.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!