Bà Trương Thị Kim Thanh, 72 tuổi, là bác sĩ về hưu bị mắc COVID-19 gần 1 tháng trước. Dù nắm khá rõ về bệnh nhưng tâm lý của bà vẫn bị ảnh hưởng khá nhiều, nhất là khi SP02 của bà thường xuyên sụt giảm. Sau khi khỏi bệnh, bà vẫn không khỏi lo lắng khi các triệu chứng hay sốt, mệt mỏi vẫn còn. Khi biết mình bị viêm phổi, nỗi lo lại càng tăng lên khiến bà phải đến bệnh viện thì mới phần nào yên tâm.
Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức và phục hồi chức năng sau COVID-19 bệnh viện Thống Nhất, tâm lý của bà Thanh cũng là tâm lý chung của nhiều bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19. Một khảo sát được thực hiện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức cũng cho thấy, hơn 53% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu và có tới 20% bệnh nhân mắc trầm cảm.
Nhiều người khi mắc bệnh phải đi cách ly, đến các bệnh viện dã chiến, chứng kiến nhiều bệnh nhân khác vật lộn với sự sống lại không có người thân bên cạnh nên tâm lý bất an. Thêm vào đó, nhiều người có bệnh nền sau khi khỏi bệnh lại phải tiếp tục đi chữa bệnh khiến họ lúc nào cũng rơi vào trạng thái căng thẳng. Tuy nhiên, tại hầu hết bệnh viện đều chưa có hoặc không đủ đội ngũ bác sĩ tâm lý hỗ trợ các bệnh nhân này. Cũng theo các bác sĩ, số lượng bác sĩ tâm lý tại TP Hồ Chí Minh còn khá mỏng. Thêm vào đó, yêu cầu đặt ra bác sĩ tâm lý phải là người lành nghề nên đã thiếu nay còn thiếu hơn.
Theo đề xuất của bác sĩ, bệnh nhân khi điều trị hậu COVID-19 nếu có thể nên đi tư vấn với các bác sĩ tâm lý ít nhất 1 tuần 1 lần. Có như vậy, họ mới được kịp thời điều trị các sang chấn tâm lý, vượt qua các khủng hoảng ám ảnh về dịch bệnh. Khi tinh thần khỏe mạnh thì người bệnh mới sớm trở lại cuộc sống bình thường như trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!