Lễ hội Khai ấn Đền Trần diễn ra từ ngày 1 đến 6/2.
Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội được tổ chức cụ thể như sau:
Ngày 1/2 (tức ngày 11 tháng Giêng): Tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ.
Ngày 2/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá.
Ngày 4/2 (tức ngày 14 tháng Giêng): Từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương; từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn; từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn.
Ngày 5/2: Từ 2h thực hiện lễ hồi Kiệu ấn, từ 5h tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 4 điểm gồm 3 nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày Đền Trùng Hoa.
Ngày 6/2 (tức ngày 16 tháng Giêng): Tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Vương triều Trần và thực hiện lễ dâng chúc văn hoàn cung.
Ngoài ra, trong các ngày diễn ra Lễ hội Khai ấn, tại khu vực Đền Trần còn tổ chức các hoạt động hội truyền thống gồm: múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, múa rối nước, chọi gà, đấu vật, biểu diễn võ thuật…
Như vậy, năm nay lễ hội được khôi phục tổ chức cơ bản đầy đủ nhất các hoạt động lễ hội truyền thống.
Các nội dung chính của lễ hội (kéo dài từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng) vẫn được giữ nguyên như truyền thống, với ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân Vương triều Trần - vương triều đã có công lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong thế kỷ 13, làm nên hào khí Đông A lừng lẫy một thời.
Ngoài nghi lễ Khai ấn (do cộng đồng địa phương thực hiện vào đêm ngày 14 tháng Giêng, phát ấn từ 5h sáng hôm sau), trong khuôn khổ lễ hội lớn này, du khách, nhất là thế hệ trẻ có dịp hiểu thêm về xuất thân chài lưới, gắn với sông nước của Vương triều Trần, được nhân dân địa phương tái hiện qua nghi lễ rước Nước và tế Cá.
Ngoài ra, còn được xem nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ (tức nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần, nằm gần chùa) với ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái yết tổ tiên, dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ; đồng thời mang ý nghĩa tri ân công đức bậc tiên tổ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu...
Trong khuôn khổ lễ hội còn có nghi lễ dâng hương do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Nam Định tổ chức vào 21h đêm 14 tháng Giêng (trước thời điểm diễn ra nghi lễ Khai ấn)…
Chuẩn bị đầy đủ các phương án để lễ hội đảm bảo an ninh, an toàn
Sau 3 năm (2020-2022) không tổ chức để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, năm nay chính lễ lại đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, dự báo số lượng khách về dự lễ hội sẽ rất đông.
Năm nay, không gian lễ hội cũng được mở rộng với khu quảng trường trung tâm thuộc giai đoạn 1 của dự án Khu di tích lịch sử Văn hóa Trần đã hoàn thành.
Thành phố Nam Định đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ các phương án để đảm bảo việc tổ chức lễ hội đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự, đáp ứng tốt nhu cầu tín ngưỡng đi lễ đầu Xuân của khách thập phương.
Đáng chú ý, sẽ tổ chức 5 vòng an ninh với các phương án đảm bảo về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; thành phố dựng sẵn các ki-ốt phục vụ bán hàng đảm bảo ngăn nắp...
Phủ Thiên Trường xưa (nay thuộc tỉnh Nam Định) là nơi phát tích của Vương triều nhà Trần và được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long.
Năm 1258, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông ra lệnh thực hiện chính sách "vườn không nhà trống" tại kinh thành Thăng Long và rút lui chiến lược về phủ Thiên Trường để huy động sức mạnh toàn dân.
Sau khi đánh bại quân Nguyên Mông, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc.
Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức "khai ấn" để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.
Sau này, tại nền phủ Thiên Trường, nhân dân Nam Định đã xây dựng Khu di tích đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: Đền Thiên Trường (hay đền Thượng) thờ 14 vị vua Trần, Đền Cố Trạch (hay đền Hạ) thờ Trần Hưng Đạo và Đền Trùng Hoa thờ 14 vị vua Trần cùng các quan văn, võ; đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc.
Hiện nay, lễ khai ấn Đền Trần với những nghi thức truyền thống vẫn được bảo tồn, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham dự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!