Ước tính mỗi năm, người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với đó là gần 5.800 tỷ đồng hóa thành tro bụi. Quan niệm "trần sao âm vậy" đã khiến cho việc đốt vàng mã trở nên biến tướng, thái quá, mất an toàn phòng cháy chữa cháy, ô nhiễm môi trường.
"Thủ phủ vàng mã" ế ẩm
Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm là dịp lễ quan trọng đối với người Việt, vừa là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, vừa là lễ mở cửa ngục theo quan niệm của Phật giáo, hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân.
Trên mâm cỗ cúng Rằm, vàng mã là thứ không thể thiếu đối với nhiều gia đình. Đây là một phong tục đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu. Với quan niệm "trần sao âm vậy", nhiều người đã cố gắng thể hiện tất cả tấm lòng của mình với người đã khuất bằng cách đốt tiền vàng. Đây cũng là cách để họ tin rằng, người thân của mình "ở thế giới bên kia" sẽ được hưởng cuộc sống đầy đủ.
Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, Rằm tháng 7 năm nay, hoạt động sản xuất và mua bán vàng mã lại ế ẩm trông thấy.
Làng Phúc Am, Thường Tín, Hà Nội chủ yếu sản xuất đồ phục vụ cúng tế như hình nhân, voi, ngựa,… Vài năm trở lại đây, người làm nghề còn nhập những mặt hàng như quần áo, mũ, nhà… bằng vàng mã để bắt kịp với thị hiếu của người dân.
Tuy nhiên, năm nay, dịp Rằm tháng Bảy, tình hình kinh doanh vàng mã khá ế ẩm, do sức mua giảm. Nhiều làng làm đồ vàng mã cũng gặp cảnh tương tự, lượng tiêu thụ năm nay chỉ bằng 50% năm ngoái.
'Thủ phủ' vàng mã của miền Bắc tại tỉnh Bắc Ninh cũng vậy. Mọi năm thương lái từ các tỉnh tập trung đến mua đông bắt đầu tháng 5 âm lịch. Nhưng năm nay, lượng khách đến mua chỉ độ khoảng chục ngày trở lại đây.
Việc lạm dụng đốt vàng mã đã làm mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Xin được nhắc lại là ước tính mỗi năm, người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, nghĩa là gần 5.800 tỷ đồng hóa thành tro bụi. Những con số này đã cho thấy một sự lãng phí cho xã hội.
Không chỉ có vậy, việc đốt vàng mã không đúng cách, không đúng nơi quy định còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Mỗi vụ cháy đều để lại những bài học đắt giá.
Nguy cơ cháy nổ do đốt vàng mã
Có người đốt vàng mã ngay trong cầu thang của một khu tập thể cũ. Mỗi năm, chỉ riêng tại Hà Nội xảy ra hàng chục vụ cháy do thắp hương, đốt vàng mã.
Ngay trước Tết Tân Sửu 2021, 4 thanh niên tử vong tại một phòng trọ ở quận Đống Đa, Hà Nội do ngạt khí sau khi hóa vàng mã tiễn ông Công ông Táo chầu trời.
Các vụ cháy tại tầng 14 của chung cư Golden City 6 ở TP Vinh, cháy căn hộ ở chung cư Gold View (TP Hồ Chí Minh)… đều xuất phát từ mồi lửa vàng mã.
Việc hóa vàng mã cũng là nguy cơ gây ra cháy nổ rất lớn cho các di tích, đình, đền chùa… Đặc biệt vào mỗi dịp lễ, Tết, lượng khách thập phương rất lớn. Hoạt động thắp hương, đốt vàng mã tăng cao và chỉ sơ suất nhỏ là có thể gây cháy lớn.
Để thay đổi thói quen đốt nhiều vàng mã, bắt đầu từ năm nay, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên truyền tới các phật tử không đốt vàng, mã tại các chùa.
Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân hạn chế đốt vàng mã, bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan.
Các cụ dạy rằng "lễ bạc lòng thành", phải thực hiện sao cho an toàn, tránh lãng phí mới trọn vẹn được ý nghĩa thiêng liêng của những ngày rằm tháng 7 và những cả những ngày lễ Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
GS.TS Từ Thị Loan, Uỷ viên Hội đồng di sản Văn hóa quốc gia sẽ đưa ra quan điểm để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!