Thuận theo tự nhiên để phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thế Hà - Ngọc Minh-Thứ ba, ngày 01/11/2022 11:31 GMT+7

VTV.vn - Thay vì chinh phục, người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng hòa hợp với tự nhiên hơn.

Sản xuất thuận theo tự nhiên

Xưa kia, miền Tây Nam Bộ được mệnh danh là vùng "trên cơm dưới cá", bởi sự trù phú, được thiên nhiên ưu đãi. Nhưng đến nay, biến đổi khí hậu đã thay đổi rất nhiều điều kiện tự nhiên ở vùng đất này. Cũng từ đó, đã kích thích sự sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, tìm hướng đi riêng của người dân miền Tây. Nhiều mô hình sản xuất kiểu mới, thuận theo tự nhiên, mùa nào thức đó đã ra đời để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mùa nước nổi, những cánh đồng mênh mông nước. Thay vì cố trồng lúa vụ 3, nông dân ở những vùng trũng thấp đã quây lưới quanh ruộng để thả cá. Nuôi cá ruộng trong 3 tháng lũ không cần cho ăn, lợi nhuận cao hơn trồng lúa, mà đất lại có thời gian nghỉ.

Thuận theo tự nhiên để phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Ở Hậu Giang, nay nổi tiếng với loại mãng cầu ghép trên gốc Bình Bát, một loài cây dại. Từ đó tạo ra loại mãng cầu có sức sống phi thường, hạn, mặn, ngập nước hay ô nhiễm đều sống được. Khiến mãng cầu trở thành loại cây đóng góp giá trị kinh tế đứng thứ 3, sau sầu riêng và mít ở Hậu Giang.

Thay vì chinh phục, người miền Tây thích ứng hòa hợp với tự nhiên hơn. Những mô hình sản xuất nương theo tự nhiên kết hợp cả nông nghiệp, du lịch sinh thái ngày càng nhiều và mang lại giá trị cao. Chắc chẳng ở đâu, người nông dân nuôi cá, lại còn nghĩ ra mô hình cá làm xiếc như ở đây...

Cơ giới hoá nông nghiệp

"Con trâu đi trước, cái cày theo sau", hình ảnh quen thuộc của nền kinh tế nông nghiệp nay đã không còn thấy ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khi mà cơ giới hoá đã dần thay thế cách làm truyền thống. Nhờ đó đã rút ngắn thời gian canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con.

Khảo sát cách đây không lâu của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho thấy, tỉ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt từ 70 - 75%. Đây cũng là cách giúp nông dân tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận.

An Giang cũng như nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các công ty dịch vụ nông nghiệp kĩ thuật cao ra đời ngày càng nhiều nhằm hỗ trợ tối đa cho bà con nông dân. Tất cả nhằm hướng đến một nền nông nghiệp chuyên nghiệp và hiện đại.

Những trái ngọt đầu tiên

Sản xuất thuận theo tự nhiên, cộng với ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, đã mang lại những trái ngọt đầu tiên. Cuối tháng 9 vừa qua, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra một sự kiện đặc biệt: Hội chợ triển lãm các sản phẩm, giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội chợ này thực khách tham gia sẽ thấy rất nhiều những ví dụ tương tự về các loại sản vật, cây trái rất đặc biệt, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Không thể không nhắc đến những giải pháp về khoa học, công nghệ. Ví dụ như các hệ thống lọc nước, khử mặn hay các giải pháp sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu ở tầm vỹ mô, như mô thức mới - nuôi tôm giàu oxy của Ts Nguyễn Thanh Mỹ ở Trà Vinh. Tích hợp các công nghệ mới, sản xuất tôm sạch từ ao nuôi đến bàn ăn, quản lý chăm sóc theo dõi hoàn toàn bằng công nghệ 4.0.

Sớm giải quyết những thách thức

Không có bức tranh nào chỉ toàn màu hồng. Quá trình định hình nền sản xuất bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Câu chuyện được quan tâm trong những ngày gần đây về tình trạng bùng phát diện tích ao nuôi tôm trái phép ở Đồng Tháp Mười là một ví dụ.

Về lâu dài, nuôi tôm nước mặn sẽ ảnh hưởng hệ sinh thái ngọt, mất vùng trồng lúa. Không theo quy hoạch, tôm dễ bị bùng phát dịch bệnh, lại khó truy xuất nguồn gốc, khó cạnh tranh với các vùng nuôi tôm sát biển, rất dễ xảy ra khủng hoảng thừa và rớt giá hàng loạt.

Mỗi tháng một lần, Sở Nông nghiệp tỉnh Long An lại đi tuyên truyền cho bà con về tác hại của nuôi tôm trên hệ sinh thái ngọt. Nhưng 1 năm qua chưa có hộ nào bỏ ao nuôi. Còn nhớ giai đoạn 2017-2019, vùng Đồng Tháp Mười từng ồ ạt bỏ lúa đào ao nuôi cá tra với khoảng 3.500 ha. Nhưng sau thời gian ngắn, giá cá tra giảm mạnh, hàng loạt nông dân đã phá sản vì thua lỗ.

Những thách thức về hạ tầng, quy hoạch, nguồn nhân lực... vẫn đang dần được tháo gỡ. Theo các chuyên gia, nghị quyết 120 của Chính Phủ - "Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu long thích ứng với biến đổi khí hậu" - còn gọi là Nghị quyết Thuận thiên, là chủ trương đúng đắn và xu thế tất yếu. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chủ động hoá giải các thách thức về biến đổi khí hậu, để phát triển đúng với lợi thế sẵn có.

Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó thiếu cát làm đường Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó thiếu cát làm đường

VTV.vn - Tổng trữ lượng cát được cấp phép chỉ đáp ứng được 1/7 nhu cầu cát đắp nền đường các dự án cao tốc ĐBSCL vì vậy sử dụng cát biển thay thế là giải pháp lúc này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước