Nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 8 và dự Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc, từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 11.
Đây là dịp để các nhà lãnh đạo thảo luận định hướng cho cơ chế hợp tác tiểu vùng, thúc đẩy hợp tác kinh tế đầu tư ngày càng toàn diện.
Tiểu vùng Mekong mở rộng là khu vực địa lý bao gồm các quốc gia và lãnh thổ nằm trong lưu vực của sông Mekong, gồm: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, cùng hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc, được gắn kết với nhau bởi dòng sông Mekong, có diện tích khoảng 2,6 triệu km2 và dân số gộp lại hơn 333 triệu người.
Chuỗi sự kiện lần này quy tụ đầy đủ các quốc gia dọc sông Mekong, cũng là những nước láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam.
Ông Phạm Thanh Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: "Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Trung Quốc được kỳ vọng chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa tới tiểu vùng, khu vực và cộng đồng quốc tế đó là nâng cấp nội hàm và hợp tác tiểu vùng. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chuyển đổi sâu rộng, toàn diện chưa từng có; xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, bao trùm trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, tiểu vùng Mekong cần có những bước đột phá để đáp ứng yêu cầu phát triển mới".
Tại các Hội nghị lần này, bên cạnh các vấn đề truyền thống như kinh tế, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề mới, trong đó nổi bật là đổi mới sáng tạo.
TS. Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ủy hội sông Mekong Quốc tế cho biết: "Việt Nam có một vị trí đặc biệt ở cuối cùng của sông Mekong. Việt Nam luôn là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn, là quốc gia đi đầu trong việc chia sẻ dữ liệu, tìm kiến hợp tác đôi bên cùng có lợi, và giải quyết thách thức do biến đổi khí hậu gây ra".
TS. Quách Thị Huệ, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng có ý nghĩa rất to lớn đối với Việt Nam và các thành viên tham gia cơ chế hợp tác. Bởi nó tạo ra cơ chế thúc đẩy thương mại giữa các nước, từ đó thúc đẩy nền kinh tế các quốc gia trong vùng. Cơ chế này cũng tạo ra môi trường cho các quốc gia liên kết với nhau và cũng tạo ra liên kết với các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là trong khối ASEAN".
Những lĩnh vực hợp tác mới sẽ là nguồn xung lực mạnh mẽ định vị các cơ chế hợp tác, đưa tiểu vùng Mekong lên một tầm cao mới trong chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!