Thực hư chuyện hợp tác xã chặn máy gặt lúa của người dân tại Quảng Bình

Nguyễn Chiến-Thứ bảy, ngày 08/07/2023 19:19 GMT+7

VTV.vn - Theo đoạn clip trên MXH, khi một gia đình thuê máy gặt xuống ruộng gặt lúa thì bị người của HTX ra can ngăn và yêu cầu phải thu hoạch bằng máy gặt mà HTX đã thuê.

Những ngày qua, trên mạng xã hội xôn xao clip về việc một số cán bộ thuộc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Lộc An, xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) ra ngăn cản không cho máy của bà con nông dân gặt lúa.

Theo tìm hiểu của phóng viên VTV News, sự việc xảy ra tại xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình). Ông Lê Đình Tám là thành viên của HTX cùng nhiều nông dân tại xã An Thủy khi thấy HTX thông báo giá thuê máy gặt cao hơn giá thị trường nên ông cùng nhiều nông dân chủ động đi thuê máy nơi khác về gặt lúa giá rẻ hơn nhằm tiết kiệm chi phí.

Ngày 4/7, khi máy gặt của ông Tám thuê xuống ruộng gặt lúa được một lúc thì bị người của HTX ra can ngăn, không cho gặt đồng thời yêu cầu gia đình phải thu hoạch bằng máy gặt mà HTX đã thuê từ trước.

Thực hư chuyện hợp tác xã chặn máy gặt lúa của người dân tại Quảng Bình - Ảnh 1.

HTX cử người đứng chặn trước máy nên máy không thể gặt được.

Chủ máy gặt này tỏ ra rất bất ngờ và bức xúc trước việc cán bộ HTX chặn máy gặt vì họ cho rằng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy gặt lúa đi gặt thuê cho người dân có nhu cầu.

Khi người nông dân và lái máy cắt hỏi tại sao không được cắt và chặn máy lại thì không có câu trả lời nào từ cán bộ của HTX. Sự việc này được người dân phát trực tiếp trên mạng xã hội.

Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy, cho biết sự việc trên xảy ra tại địa bàn vào ngày 4/7 vừa qua. Xã đã nắm được tình hình và đã gọi các bên liên quan gồm người dân và chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Lộc An lên để tìm hiểu sự việc. Những năm trước 2021-2022 các thành viên giao cho HĐQT HTX chủ động tìm máy chứ không riêng gì năm 2023. Hiện tại 6 máy của HTX hợp đồng vẫn đang hoạt động bình thường và đã gặt gần xong cho bà con. Còn về 3 máy của 3 hộ dân thuê về thì đã trả lại cho chủ máy.

Theo ông Tám, giá thuê máy gặt của HTX là 80.000 đồng/sào, trong lúc đó giá ông Tám và bà con nông dân thuê là 70.000 đồng/sào, thấp hơn 10.000 đồng so với máy gặt của HTX.

Bức xúc hơn nữa là trong vụ thu hoạch lúa tái sinh này, có 3 hộ trong thôn thuê 3 máy gặt đưa đi đăng ký với HTX Lộc An với giá 70.000 đồng/sào nhằm giúp đỡ bà con trong thôn được giá tốt và kịp thời nhưng không được HTX Lộc An đồng ý vì trước đó HTX đã hợp đồng với 6 máy ở nơi khác. Người dân phải sử dụng máy gặt của HTX đã thuê từ nơi khác về với giá 80.000 đồng/sào...

Thực hư chuyện hợp tác xã chặn máy gặt lúa của người dân tại Quảng Bình - Ảnh 2.

Hiện đồng lúa tái sinh của gia đình ông Tám đã chín vàng nhưng lại bị HTX ngăn cản không cho thu hoạch, nguy cơ hư hỏng là rất cao.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch HĐQT HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Lộc An cho biết hiện nay hơn 243,7ha đã được gặt gần hết. Thời điểm các hộ trong thôn lên đăng ký máy gặt với giá 70.000 đồng/sào không được đồng ý vì trước đó HTX đã hợp đồng với 6 máy khác. HTX làm đúng các quy trình theo Nghị quyết thành viên trong việc chọn máy gặt. Khẳng định giá gặt HTX hợp đồng đưa máy về là 80.000 đồng/sào thấp hơn so với đơn vị HTX lân cận khác. Người dân tự trả chi phí cho chủ máy, HTX không liên quan đến việc thu tiền của người dân. Không có chuyện ăn chia lợi nhuận như tin đồn.

"Việc người dân tự ý thuê máy về gặt tại địa bàn thì sẽ gây lũng đoạn điều hành của HTX, có nguy cơ làm mất an ninh trật tự, tranh giành. Cho nên chúng tôi ngăn chặn không cho những máy gặt này hoạt động" - ông Tâm nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước