Vỡ trực tràng do thụt tháo
Không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng của thụt tháo đại tràng để thải độc, thậm chí còn nguy cơ cao gây hại sức khỏe nhưng cách làm này vẫn được truyền bá và không ít người làm theo.
Một bệnh nhân 48 tuổi đến Bệnh viện Bạch Mai tái khám sau phẫu thuật do bị vỡ trực tràng, hiện đang phải mang hậu môn nhân tạo. Hơn 1 tháng trước, chị nhập viện vì đau dữ dội vùng bụng dưới rốn kèm đi ngoài ra máu sau khi thụt tháo thải độc tại một cơ sở thường tuyên truyền về cách làm này trên mạng xã hội.
Lúc đó, do thấy tụ dịch khí quanh đại trực tràng sau thụt tháo, bác sĩ nghi thủng, vỡ trực tràng nên đã mổ cấp cứu, tránh để dịch tiêu hóa tràn vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc. Quá trình hậu phẫu cũng phức tạp. Chưa kể bệnh nhân phải điều trị kháng sinh kéo dài và sẽ còn phải trải qua 1 cuộc mổ nữa để đóng hậu môn nhân tạo, lập lại lưu thông đường tiêu hóa.
Vì tin vào thông tin một chiều, vẫn tiếp tục có người tự đẩy mình vào nguy cơ gặp hậu quả khôn lường. Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trường hợp do thụt tháo nhiều dẫn đến viêm đường ruột tạo thành ổ áp xe rồi vỡ phải cấp cứu.
Cẩn trọng thải độc không đúng cách
Thụt tháo đại tràng là liệu pháp có từ 100 năm trước. Khi ấy, chưa có những phương pháp hiện đại, còn bây giờ nó đã quá lạc hậu. Chưa kể, nếu quen thụt tháo sẽ bị phụ thuộc vào nó mà mất đi sự chủ động.
Với những người tin tưởng phương pháp này, có thể số ca biến chứng hiện nay chưa khiến họ phải lo lắng. Nhưng nhìn rộng ra thì có nên liều lĩnh lấy sức khỏe của bản thân để thực nghiệm một cách làm lợi bất cập hại hay không? Quyết định tùy vào mỗi người. Quan trọng là cẩn trọng trước những lời quảng cáo về thải độc và cân nhắc hậu quả thường trực.
Trên mạng xã hội bấy lâu nay vẫn tràn lan các bài viết về thụt tháo đại tràng như 1 cách thải độc, kèm quảng cáo bộ dụng cụ và hướng dẫn dùng các loại dung dịch, phổ biến nhất là nước cà phê, nước muối hoặc nước lọc để thụt tháo đại tràng. Một đầu dây truyền dung dịch cắm vào túi treo cao hoặc từ xô, chậu. Đầu còn lại cắm vào hậu môn cho nước chảy vào. Thậm chí, có trang đăng bán bộ dụng cụ còn giả danh, nhái logo của bệnh viện lớn.
Phương pháp này thường được giới thiệu bởi một số nhóm theo trường phái y học không dùng thuốc, không phẫu thuật. Họ cho rằng chữa được nhiều bệnh, thậm chí cả ung thư, giảm cân, tiêu mỡ. Thậm chí tự biên ra nội dung thiếu căn cứ khoa học mà bỏ qua hoặc không biết đến rủi ro đã được ghi nhận như mất cân bằng điện giải, rách trực tràng phải nhập viện cấp cứu.
Trong bài về "Thải độc và làm sạch" trên trang web của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ có viết: Quy trình làm sạch ruột có thể có tác dụng phụ. Một số trong đó có thể nghiêm trọng. Viện nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ đã có báo cáo về các trường hợp tử vong liên quan thụt cà phê. Một số tạp chí y khoa uy tín trên thế giới cũng có bài viết về việc làm sạch ruột có thể gây hại.
Theo tự nhiên, đại tràng và cấu trúc đường tiêu hóa có sẵn chức năng tự làm sạch. 1 cơ thể bình thường thì không có lý do gì phải thải độc.
Như vậy, thụt tháo đại tràng chỉ thực hiện trong một vài trường hợp nhất định, tại cơ sở y tế có cấp phép và phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Nguy cơ khi tự ý thụt tháo đại tràng
Việc thụt tháo gọi là để làm sạch đại tràng hiện chưa có bằng chứng khoa học trong và ngoài nước khẳng định tác dụng thụt tháo chỉ áp dụng trước khi nội soi hay phẫu thuật hoặc trong một số trường hợp ngộ độc thức ăn qua đường tiêu hoá. Nó không phải kỹ thuật làm thường xuyên và càng không nên thực hiện ở người bình thường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!