Tích trữ bình oxy tại nhà mùa COVID-19 - nguy hiểm khó lường!

Ban Khoa giáo-Thứ hai, ngày 30/08/2021 06:15 GMT+7

VTV.vn - Việc tích trữ bình oxy tại nhà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Đây là điều cần hết sức tránh!

Chỉ 10 - 20% bệnh nhân COVID-19 cần hỗ trợ oxy

COVID-19 là bệnh về đường hô hấp xảy ra khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập và tấn công phổi. Khi xâm nhập vào cơ thể, nó có khả năng tổng hợp các gen, trở thành một thành phần của cơ thể. Virus biến chủng này dường như đã làm được "chiếc thẻ ra vào" để có thể xuyên qua hàng rào bảo vệ của cơ thể mà không bị phát hiện ra. Chúng gắn vào tế bào, sau đó sản sinh với tốc độ cực nhanh, tới khi số lượng quá lớn thì cơ quan phản vệ của cơ thể mới phát hiện ra.

Virus chủ yếu gây ra các vấn đề về hô hấp và bình oxy, máy thở được xem là giải pháp cuối cùng để cứu lấy sinh mạng những bệnh nhân nguy kịch. Với các hình thức thông khí thủ công như bóp bóng qua mặt nạ, sự sống của bệnh nhân COVID-19 chỉ có thể duy trì trong thời gian ngắn. Họ cần được đặt máy thở trong vòng 30 phút kể từ khi xảy ra cơn nguy kịch.

Tích trữ bình oxy tại nhà mùa COVID-19 - nguy hiểm khó lường! - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Vũ Huy - Giảng viên cao cấp bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội - phân tích: "Độ bão hòa oxy (SpO2) có nhiều cách đánh giá. Đối với bệnh nhân, chúng tôi thường đánh giá bằng tần số thở, bằng biểu hiện như môi tím. Đó là cách đánh giá chuyên nghiệp. Bình thường có thể đo đánh giá sơ bộ qua mức độ bão hòa oxy. Mức độ bão hòa oxy bình thường là 95 - 100%. Con số này từ 94% trở xuống thì cần phải chuẩn bị các biện pháp để giải quyết và không bao giờ để SpO2 tụt xuống dưới 92%".

Người bệnh nhiễm COVID-19 trong giai đoạn đầu vẫn nói chuyện, đi lại nhẹ nhàng, giao tiếp những câu ngắn gọn, đơn giản. Tuy nhiên, khi kiểm tra SpO2 thì chỉ số chỉ còn 50%. Đó là ngày thứ 5 từ khi bệnh nhân xác định dương tính. Đây là mức báo động của một bệnh nhân viêm phổi nặng. Trong trường hợp này, bệnh nhân nhiễm COVID-19 cần được đặt ống nội khí quản và thở máy xâm nhập, cung cấp oxy ngay lập tức.

Máy thở và bình oxy là rất cần thiết đối với những bệnh nhân nhiễm COVID-19 giai đoạn bệnh chuyển biến nặng. Tuy nhiên, khi bệnh ở thể nhẹ, bệnh nhân chưa cần thiết phải sử dụng bình oxy để hỗ trợ cho hệ hô hấp.

Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy: "Có 80% người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ, không cần đến oxy, chỉ 10 - 20% bệnh nhân cần đến oxy. Oxy cần khi bệnh nhân có biểu hiện khó thở, có suy hô hấp. Đôi khi khó thở chỉ do tâm lý khi bệnh nhân mất bình tĩnh, hoảng loạn, hoạt động quá sức. Vấn đề thở oxy tốt nhất cần có sự hỗ trợ của ngành y tế".

Tích trữ bình oxy tại nhà tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao

Có thể hiểu rằng không phải trong trường hợp nào người bệnh cũng phải bắt buộc sử dụng bình oxy. Thực tiễn gần đây đã ghi nhận rất nhiều trường hợp người dân tìm mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo oxy, tích trữ các bình khí oxy tại nhà để để "phòng" cho những tình huống tương lai. Điều này có nên hay không?

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Vũ Huy cho biết: "Để chữa một bệnh thì phải nắm vững được bệnh đó, biết các diễn biến, các biện pháp điều trị. Chính vì thế, ngành y tế đào tạo một nhân viên y tế từ 6 - 9 năm mới được trình độ bác sĩ. Ngay cả sử dụng oxy cũng phải có kỹ thuật, không nên sử dụng bừa bãi. Oxy chỉ là một giải pháp để can thiệp hỗ trợ điều trị, chứ không phải yếu tố quyết định tất cả để chữa COVID-19".

Trong thời gian này, nhu cầu của người dân mua và dự trữ bình oxy tăng cao khiến cung không đủ cầu. Tại một số cửa hàng, ngoài lượng người mua bình oxy dự trữ trong nhà để cho người già bị viêm phế quản, hen suyễn, nhiều người đã liên hệ đặt mua các sản phẩm này để phòng trường hợp có người thân tại nhà mắc COVID-19. Việc này dẫn đến khan hiếm oxy trên thị trường, những người thực sự cần thì lại chưa thể cung cấp được ngay.

Tích trữ bình oxy tại nhà mùa COVID-19 - nguy hiểm khó lường! - Ảnh 2.
Tích trữ bình oxy tại nhà mùa COVID-19 - nguy hiểm khó lường! - Ảnh 3.

Hơn nữa, việc tích trữ bình oxy tại nhà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Đây là điều cần hết sức tránh!

GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam phân tích: "Áp suất của bình oxy rất lớn, giống như quả bom, nguy cơ cháy nổ rất cao. Theo khuyến cáo của chúng tôi là không nên tích trữ bình oxy".

Việc thiết lập, vận hành máy thở, bình oxy cần được thực hiện gưới sự giám sát của các bác sĩ hay điều dưỡng. Đồng thời, trong quá trình sử dụng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời. Bởi vậy, chúng ta không nên tự ý sử dụng, tích trữ bình oxy tại nhà.

Hãy nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mình trong cuộc chiến chống COVID-19 chung của cả nước!

Những điều F0 tự điều trị tại nhà hoặc được ra viện sớm phải tuyệt đối lưu ý Những điều F0 tự điều trị tại nhà hoặc được ra viện sớm phải tuyệt đối lưu ý 3 cách đơn giản để ngăn SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể 3 cách đơn giản để ngăn SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể Cứ tiêm vaccine rồi là có thể 'vô tư' với COVID-19? Cứ tiêm vaccine rồi là có thể "vô tư" với COVID-19?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước