Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 19/09/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Xe đạp điện và xe máy điện gần như không phát ra tiếng động nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao.

Giờ tan lớp, không khó để bắt gặp những hình ảnh nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm ở khu vực các cổng trường học. Một người dân cho biết, đã không ít lần chứng kiến các vụ va chạm giao thông.

Và hệ quả là tại chốt kiểm soát giao thông, đã có không ít trường hợp vi phạm bị dừng xe. Như một trường hợp học sinh đi xe máy điện này đã mắc cùng một lúc tới 3 lỗi: Không mang giấy tờ xe, không đội mũ bảo hiểm và xe máy điện không có gương chiếu hậu. 

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, có đến 90% số vụ TNGT liên quan đến học sinh ở độ tuổi từ 16 - dưới 18. Ngoài ra hiện nay có trên 50% học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện. Do đây là phương tiện không yêu cầu bằng lái nên điều này cũng đồng nghĩa có nhiều em chưa được trang bị đầy đủ kỷ năng lái xe cũng như kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Cũng rất đáng lo ngại khi không ít phụ huynh cho rằng đi xe đạp điện, xe máy điện an toàn hơn so với xe gắn máy. Tuy nhiên trên thực tế, với vận tốc tối đa có thế lên tới 40 - 50km/h, mức đô nguy hiểm của xe máy và xe đạp điện là như nhau. Xe đạp điện và xe máy điện gần như không phát ra tiếng động nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng lo ngại đó chính là tính cách của người điều khiển phương tiện. Các chuyên gia giao thông nhận định, do đang trong độ tuổi trưởng thành, muốn thể hiện bản thân nên không ít học sinh khi đi xe đạp điện xe máy điện thường có hành vi lạng lách, đánh võng trên đường..Đây chính là biểu hiện rõ nhất về ý thức tham gia giao thông của lứa tuổi này còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, trong đó có các trường hợp các em đến trường bằng xe đạp điện và xe máy điện, các chuyên gia giao thông nhận định, công tác tuyên truyền giáo dục vẫn là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất.

Đẩy mạnh tuyên truyền để phòng ngừa rủi ro

Các cán bộ chiến sỹ CSGT trực tiếp làm tuyên viên. Ví dụ minh họa chính là những tình huống thường gặp, những lỗi vi phạm không ít người từng cố tình hoặc vô tình mắc phải. Tất cả đều rất trực quan, dễ hiểu nên buổi tuyên truyền đã thực sự lôi cuốn các em học sinh.

"Trước đây em cũng đã được các thầy cô giáo hướng dẫn. Năm nay được tuyên truyền như thế này em cũng đã thu nhận được nhiều kiến thức, ví dụ như thế nào là mũ bảo hiểm an toàn đạt chuẩn và những tín hiệu của các chú CSGT để mình có thế điều khiển được hành vi tham gia giao thông đường bộ của mình" - học sinh Vũ Nguyễn Nhật Mai (lớp 11D7, Trường THPT Quang Trung, Đông Đa, Hà Nội) cho hay.

Theo nhận định của các chuyên gia giao thông, những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh đã được quan tâm nhiều hơn so với trước. Tuy nhiên, TNGT liên quan đến lứa tuổi học đường vẫn tăng cả 3 tiêu chí, về cả số vụ và số thương vong. Do vậy ngoài việc trang bị cho các em kiến thức pháp luật về ATGT thì việc kiểm tra, giám sát các em thực hiện cũng là vấn đề rất quan trọng.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải - Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Công an thành phố Hà Nội - cho hay: "Nhà trường phải thành lập các đội sao đỏ, thường xuyên kiểm tra vào đầu giờ học và giờ tan lớp để kịp thời phát hiện các trường hợp điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, hay thiếu gương chiếu hậu để tạm dừng không cho các phương tiện này lưu thông, sau khi bổ sung đầy đủ thì mới được tiếp tục lưu thông. Giữa nhà trường và gia đình cũng phải có thông báo để phối hợp quản lý giáo dục các em".

Theo Đại úy Nguyễn Hồng Nhung - Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3, Công an thành phố Hà Nội: "Không chỉ là CSGT chúng tôi mà kèm theo đó là gia đình nhà trường và toàn xã hội đều phải chúng tay để có thể tuyên truyền hướng dẫn cho các em để các em hiểu rõ nhất về Luật ATGT và làm sao để các em có thể thực hiện được một cách đúng và đẩy đủ khi đi trên đường để việc tuyên truyền Luật ATGT không chỉ là khẩu hiệu mà nó còn đến được với tất cả những người dân".

Theo kế hoạch, CSGT Công an TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền cho hơn 30 trường học các cấp trên địa bàn thành phố nhằm từng bước nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn cho lứa tuổi học đường.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước