Báo chí trong tuần đã đề cập nhiều về nội dung này.
Một trong những việc ưu tiên nhất hiện nay của chúng ta là phải có đủ số lượng vaccine để tiêm cho người dân. Trong tuần qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden, tiếp Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cùng với nhiều nội dung quan trọng khác, việc hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine là nội dung trọng tâm được Chủ tịch nước đề cập trong thư và các cuộc làm việc.
Trong thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc Mỹ cam kết đóng góp thêm 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, mong Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước về nguồn cung vaccine, đồng thời đề nghị hai bên tăng cường hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine ngừa COVID-19.
Tiếp Đại sứ EU Giorgio Aliberti, Chủ tịch nước mong muốn EU tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vaccine COVID-19 và chia sẻ công nghệ, kỹ thuật, tăng cường năng lực tiêm chủng cũng như sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Còn trong thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/6, Chủ tịch nước cảm ơn Nga đã tặng Việt Nam 1.000 liều vaccine và nhiều vật tư y tế chống dịch khác; bày tỏ mong muốn Nga hỗ trợ, tạo điều kiện ưu tiên để Việt Nam sớm tiếp cận nguồn vaccine của Nga, cũng như hợp tác sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã liên tục yêu cầu các bộ, ngành bằng mọi cách tiếp cận nguồn vaccine COVID-19 qua đường ngoại giao, doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Quỹ vaccine phòng COVID-19 cũng đã được thành lập để tiếp cận các nguồn hỗ trợ tự nguyện của cá nhân, doanh nghiệp cùng chung tay với Chính phủ trong việc tiếp cận, mua vaccine.
Tìm mọi cách có vaccine sớm nhất
Tờ Nông thôn ngày nay dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán, tranh thủ mọi khả năng để có vaccine sớm nhất, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu nhập khẩu được 150 triệu liều là rất khả thi.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) nhận định: Về nguyên tắc, nếu muốn đạt miễn dịch cộng đồng, 60-70% người dân phải được tiêm vaccine, tương đương với khoảng 60-70 triệu người. Nếu vaccine đó cần tiêm 2 liều sẽ cần khoảng 150 triệu liều vaccine. Lúc này, khi chúng ta chưa có đầy đủ vaccine, nên việc tiêm được ưu tiên cho những người ở tuyến đầu.
Báo chí trong tuần bình luận, việc Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia kết nối mua vaccine là chủ trương rất đúng trong việc xã hội hóa để làm sao có đủ vaccine để tiêm cho người dân.
Vaccine Astra Zeneca. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, vaccine là một loại thuốc đặc biệt. Từ khi sản xuất, vận chuyển và nhập khẩu vào Việt Nam, đến khi tiêm cho người dân đều được bảo quản trong nhiệt độ theo quy trình nghiêm ngặt. Do vậy, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể nhập vaccine được.
Tờ Người Lao động dẫn lời Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Chính phủ có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp tìm kiếm nguồn, đủ điều kiện nhập khẩu để nhập khẩu. Theo đó, có 2 cách để doanh nghiệp tham gia việc mua vaccine, một là đóng góp tiền cho quỹ vaccine vừa được thành lập, hai là trực tiếp nhập khẩu vắc-xin từ nguồn rất tin cậy.
Những tín hiệu lạc quan về vaccine "made in Việt Nam
Liên quan đến nguồn vaccine trong nước đang nghiên cứu. Tờ Gia đình và xã hội cho hay: Nano Covax, vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam dự kiến trong tháng 6 này sẽ tiến hành giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.
Quá trình thử nghiệm lần này sẽ tiếp tục được tiến hành với khoảng 13 nghìn tình nguyện viên. Nano Covax là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người từ cuối năm ngoái. Tất cả tình nguyện viên được tiêm vaccine đều sinh kháng thể với virus SARS-CoV-2, sức khỏe an toàn, không có trường hợp phải xử lý thuốc, cấp cứu... Đây là một tín hiệu rất mừng. Vaccine an toàn với người được tiêm
Trong tuần này, phát biểu tại lễ phát động "Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19" và "Chương trình "Vaccine cho công nhân" Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho đến nay đã bố trí 13 nghìn/25 nghìn tỷ đồng cho chiến dịch về vaccine ngừa COVID-19.
Dự kiến còn phải huy động trong xã hội hơn 9.000 tỉ đồng. Số tiền từ ngân sách và huy động xã hội có thể sẽ phải tăng lên nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát căn bản. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: đây là một việc làm hết sức thiết thực và có ý nghĩa, hưởng ứng chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Toàn bộ số tiền nhận được qua tin nhắn sẽ chuyển về quỹ vaccine và hỗ trợ cho phòng chống dịch COVID-19, trong đó ưu tiên mua vaccine cho công nhân và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Nhìn vào tâm dịch "Bắc Giang" hiện nay để thấy thiệt hại do COVID-19 là rất lớn. Phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, ước tính mỗi ngày Bắc Giang mất 2.000 tỷ đồng; trên 140.000 lao động phải nghỉ việc. Số liệu được tờ Lao động trích dẫn từ cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài chỉ có một. Đó là tăng tốc tiêm vaccine cho lực lượng công nhân lao động. Chỉ khi công nhân lao động an toàn, doanh nghiệp mới an toàn và sản xuất mới được khôi phục. Đây cũng chính là giải pháp để ngăn chặn hàng nghìn tỉ đồng mỗi ngày đã và đang có nguy cơ "bốc hơi" bởi dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!