Trong khi cả nước đang cùng chung tay chống lại dịch COVID-19 thì ở một mặt trận khác là mạng xã hội, các cơ quan chức năng cũng đang phải xử lý nạn tin giả. Những hành vi đăng tin giả có thể bị xử phạt lên tới 15 triệu đồng với cá nhân và 30 triệu đồng với tổ chức hoặc có thể bị xử lý hình sự tùy vào mức độ.
Một tài khoản MXH đã chia sẻ thông tin được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống COVID-19 đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng.
Một hướng dẫn viên du lịch đăng tin trên Facebook "khoe" vừa đưa một đoàn khách "tẩu thoát khỏi Đà Nẵng ra Huế "an toàn" trước thông tin Đà Nẵng sẽ cách ly xã hội vì COVID-19 cũng bị xử phạt 10 triệu đồng.
Một tài khoản MXH khác đăng tải clip kỳ thị người Đà Nẵng đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng.
Tất cả các trường hợp vi phạm này đều đã buộc phải gỡ bài viết.
Điều đáng lo ngại hơn, Việt Nam hiện có 60 triệu tài khoản Facebook đang hàng ngày đọc thông tin, đôi khi là cả tin giả.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, các thông tin này cũng giống như virus, nguy hiểm hơn virus bởi chỉ cần 1 cú click chuột cũng xem được nội dung đó. Một mặt họ xem đươc, cười vui nhưng rõ ràng, vô thức, mọi người bị lan truyền tư tưởng mà có khi chính nội dung tư duy rất sai.
Trong đợt tin giả bùng phát tháng 3 tháng 4 vừa qua, cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm hơn 350 trường hợp nên đợt này, độ chia sẻ, lan truyền thông tin không lớn.
Facebook, YouTube, Tiktok không những đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ, Bộ TT-TT ngăn chặn thông tin sai sự thật về COVID-19 mà còn thông tin, tuyên truyền tới người dân về thông tin chính xác.
Mạng xã hội không có lỗi, lỗi nằm ở người sử dụng. Ngoài những cơ chế xử phạt, điều quan trọng, mỗi người hãy trở thành một bộ lọc thông tin đầu tiên. Cập nhật thông tin từ những nguồn chính thống và nghĩ kỹ trước khi chia sẻ bất cứ thông tin nào trên mạng xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!