Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Kết tinh nét đẹp văn hóa của người Việt

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 29/04/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu vào trong tâm thức người Việt, trở thành nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Những ngày tháng 3 âm lịch, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, 54 dân tộc anh em, bất kỳ người Việt Nam, sống trong nước hay kiều bào ta ở nước ngoài đều hướng về Quốc Tổ, tỏ lòng tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Từ hàng nghìn năm qua, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ăn sâu vào trong tâm thức người Việt, trở thành nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, cố kết cộng đồng và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Kết tinh nét đẹp văn hóa của người Việt - Ảnh 1.

Đoàn rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven về Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Lễ rước kiệu về Đền Hùng của 7 xã, phường vùng ven Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ là nghi thức trang trọng, thể hiện lòng tôn kính các bậc tiên tổ.

Những ngày này, hàng ngàn người dân trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã hành hương về đất tổ, thắp nén nhang tri ân các vị Vua Hùng.

Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động dịp Giỗ Tổ. Đặc biệt, Hội thi "Gói - nấu bánh chưng" thu hút đông đảo người dân tới Đền Tưởng niệm các Vua Hùng.

Đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ cũng đón hàng ngàn người dân đến tham quan, chiêm bái. Mỗi người có cách khác nhau để bày tỏ lòng thành. Gia đình bà Hon là đồng bào dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Cả nhà cùng sửa soạn tươm tất những món ngon để dâng các vị vua Hùng.

Đến nay, cả nước đã có trên 1.400 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của di sản này.

Cách đây hơn 10 năm, khi ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UNESCO nhấn mạnh "Các dân tộc khác trên thế giới hãy noi gương Việt Nam, biết nhớ tới cội nguồn và biết ơn tổ tiên của mình". Trải qua hàng năm lịch sử, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" vẫn chảy trong huyết quản của mỗi con dân đất Việt, như sợi dây bền chặt cố kết dân tộc, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước