Dù quán chỉ mở cửa mỗi tuần một lần nhưng rất đông khách tìm đến. Bởi đây cũng là nơi để cảm nhận tình yêu thương lan tỏa, để những người có số phận không may mắn, bước qua rào cản vô hình, sớm hòa nhập cộng đồng.
Mới hơn 6h, mọi thứ đã đâu vào đấy. Nhân viên trong quán cà phê làm việc chăm chỉ hơn mức bình thường và cách làm việc cũng không giống như những quán cà phê khác. Quầy pha chế là "thế giới không âm thanh", mọi trao đổi chỉ bằng ngôn ngữ cử chỉ. Các em là người khiếm thính.
Còn chiếc bàn mà Tâm đang ngồi là nơi để khách gọi thức uống. Tâm mắc chứng tự kỷ nhưng tính toán thì nhanh đến mức ai cũng bất ngờ. Khách đến quán cà phê dù gặp chỉ một lần là Tâm đã nhớ tên.
Cũng như Tâm, các em học sinh ở Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh Khánh Hòa đều háo hức với công việc trong quán cà phê này. Quán được mở ra từ đầu năm nay với mong muốn nơi đây là cầu nối giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với cộng đồng. Và cầu nối chính là tình yêu thương.
Thương là tên của quán cà phê. Bằng tình thương, nhiều người đã giúp các em quen dần với những công việc mà trước đây, không ai ngờ các em sẽ làm tốt như vậy. Và cũng bằng tình thương, nhiều người đến đây để thưởng thức cà phê mà các em pha chế trong sự ngỡ ngàng.
Ở đâu cũng có thể uống cà phê nhưng có lẽ chỉ nơi này, thực khách được nhận nhiều hơn những gì bỏ ra… Nhiều nhất là tình cảm ấm áp từ những nhân viên trong quán, dẫu tình cảm ấy không nói bằng lời hoặc có nói ra thì bằng ngôn ngữ không dễ hiểu.
Gần đến cuối giờ sáng, quán cà phê đặc biệt này vẫn còn đông khách. Nhiều người, dù bận rộn vẫn nấn ná ở lại nơi này để được nhìn nụ cười của những em khiếm thính, nghe những lời trò chuyện của những trẻ tự kỷ… Cứ thế, ngày mới bắt đầu từ quán cà phê yêu thương luôn đong đầy yêu thương và niềm tin sẽ không còn rào cản để trẻ khuyết tật bước vào đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!