Tính sát thương từ tin đồn "bóc phốt": Đừng vô cảm khi dùng mạng xã hội!

Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 05/07/2024 15:44 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh những thông tin đưa ra còn chưa rõ trắng - đen: thật - giả, tính sát thương của những bình luận vô cảm này lại càng cao.

Việc lập 1 kênh MXH mới không khó và "bóc phốt" thì luôn là chủ đề hút nhiều tương tác, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy vòng lặp này sẽ chẳng có lý do gì để dừng lại: Tung tin - Xôn xao dư luận - Đính chính rồi lại tung ra những chi tiết mới. Vòng lặp này muốn vận hành được sẽ luôn cần chất bôi trơn là những tương tác, vấn đề là trong đó vẫn thường tồn tại những tương tác vô cảm.

Để định nghĩa thì đơn giản có thể hiểu là: Vô cảm là những tương tác không quan tâm tới cảm xúc của những người trong cuộc, và xa hơn nữa là làm phiền, quấy rối, đảo lộn cuộc sống thực của người trong cuộc. Trong những sự việc đáng chú ý trên mạng xã hội gần đây không thiếu những bình luận như thế.

Dễ thấy nhất, bình thường nhất là những bình luận kiểu: "Xin link", "video đâu," "làm màu để nổi à". Trong bối cảnh những thông tin đưa ra còn chưa rõ trắng - đen; thật - giả, tính sát thương của những bình luận vô cảm này lại càng cao.

Tính sát thương của những bình luận vô cảm

Những bình luận vô cảm như đẩy chị Lê Phương Anh - Tiktok Phanh nè vào bước đường cùng là chọn cái chết. Từ khi hàng loạt bài đăng ẩn danh trên trang "Chưa biết" được lan truyền, cuộc sống của cô gái này rơi vào khủng hoảng.

Chưa thể có hồi kết cho câu chuyện này khi loạt thông tin thật giả và những bình luận công kích vẫn tiếp diễn.

"Không những vu khống mình mà họ còn tạo ra những hành vi mà mình không ngờ tới được là tạo ra tài khoản giả mạo mình và đăng bài xuyên tác ra để dìm mình xuống và vẽ ra những câu chuyện khác" - anh Phùng Sĩ Hùng - Tiktok Hùng Didu chia sẻ.

Bình luận vô cảm có thể rơi vào bất kì ai, chỉ cần người đó đang làm tâm điểm trên mạng xã hội. Và dù là ai thì việc đối diện với những bình luận ấy cũng chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Đúng sai là việc của bản chất thông tin còn bình luận lại là chuyện của ngón tay mỗi người. Ranh giới trắng - đen chỉ có thể biết rõ khi cơ quan chức năng vào cuộc với những chứng cớ rõ ràng. Nhưng trong khoảng thời gian đó, chẳng thể cấm ai bình luận vô cảm trên mạng xã hội được, vậy nên việc xử lý những bình luận này là khó. Thực ra, những bình luận ấy chỉ là phần ngọn thôi, cái cần xử lý - phần gốc là những tin đồn được đưa ra, chính nó đã khơi mào, góp phần tạo môi trường cho những bình luận vô cảm xuất hiện.

Câu hỏi là tại sao lại có những trang mạng chuyên làm công việc "bóc phốt" để tạo môi trường cho những bình luận vô cảm kia xuất hiện. Trong thời buổi mà số lượt tương tác có thể bằng cách nào đó quy ra tiền thì vấn đề này cũng không khó hiểu.

Ở nhiều quốc gia khác, những cách kiếm tiền bằng việc tung tin về người khác cũng không phải chưa từng gặp. Như tại Hàn Quốc, các kênh bóc phốt người nổi tiếng cũng xuất hiện ở showbiz Hàn, thậm chí các kênh này còn kiếm được số tiền lớn. Tuy nhiên, họ cũng phải trả giá khi đối mặt với những vụ kiện cáo. 

Ngay thời điểm này, phiên tòa xét xử kênh YouTube Taldeok Camp (Tan-đốc) đang diễn ra. Kênh YouTube này bị buộc tội phỉ báng 7 người nổi tiếng, bằng cách đăng tải 23 video "bóc phốt" từ 10/2021 đến 6/2023, các video có nội dung: "Nhiều người nổi tiếng là gái mại dâm hoặc phẫu thuật thẩm mỹ", "RM BTS kết hôn", "Nam Joo Hyuk thô lỗ" hay "Jang Won Young hẹn hò với nghệ sĩ lớn tuổi, thậm chí có thai ở tuổi 19" … 

Qua phân tích tài khoản của Taldeok Camp, cơ quan công tố Hàn Quốc xác định: có 250 triệu won (khoảng 181.000 USD) lợi nhuận đã được tạo ra trong khoảng 2 năm kể từ 6/2021, kênh YouTube này có khoảng 60.000 người đăng ký và thu về khoảng 10 triệu won (hơn 7.000 USD) lợi nhuận hàng tháng từ doanh thu quảng cáo trong các video.

Vậy là về cơ bản, nếu muốn bóc phốt ai đó và có đủ tiền, ai cũng có thể làm. Thế cũng có nghĩa, ai cũng có thể phải đối mặt với những tương tác vô cảm từ những tin đồn dù đúng dù sai về mình. Chúng ta cần làm gì để chuẩn bị cho viễn cảnh chẳng ai muốn nhưng lại có thể xảy ra đó.

Cách đối diện với những tin đồn "bóc phốt"

Theo anh Phùng Thái Học - Chuyên gia Truyền thông: "Thứ nhất chúng ta nên đánh giá về cái sự vụ tin giả, nó ảnh hưởng nghiêm trọng hay không nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc chúng ta. Thứ hai chúng ta đánh giá về bản chất cái đấy nó đúng bao nhiêu sai bao nhiêu phần trăm. Bước thứ 3 kiểm soát phát ngôn những người liên quan mà chúng ta kiểm soát được có thể là bạn bè, gia đình người thân lên tiếng bảo vệ nhưng nó không đúng lúc đúng chỗ thì sẽ trở thành khủng hoảng to. Có thể chúng ta im lặng, sẽ chọn im lặng trong hai trường hợp, thứ nhất là khủng hoảng đó nó ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc. Trường hợp thứ hai là khi chúng ta không có đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh là tin giả. Đương nhiên phương án này sẽ có những cái giá là tin đồn đó vẫn quẩn quanh trong cộng đồng. Phương án 2, chúng ta có thể lên tiếng, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, mạch lạc và nhất quán, tránh việc chỉ đưa thông tin có lợi mà che giấu đi những thông tin bất lợi về mình. Phương án ba đó là các bạn sử dụng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng,  nếu như thông tin các bạn cung cấp được gán nhãn là tin giả thì đấy là một cơ sở tốt để bảo vệ bản thân mình trên mạng xã hội".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước