Trao quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh về xếp hạng di tích cho 3 đơn vị.
Tham dự buổi lễ công bố có ông Phạm Định Phong - Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh; Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh.
Ban tổ chức đã công bố quyết định và trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố đối với Di tích lịch sử căn cứ Quận Gò Môn (ấp An Bình, xã Trung An, huyện Củ Chi); Di tích kiến trúc nghệ thuật Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, và Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà thiếu nhi TP Hồ Chí Minh.
Trao quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về xếp hạng và xếp hạng lại bảo tàng loại I.
Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã có nhiều giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư và phát huy giá trị di sản văn hoá cùng với các hội, ngành xây dựng chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng loại I đối với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và xếp hạng lại loại I đối với 3 bảo tàng: Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh và Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được xếp hạng loại I.
Chia sẻ tại buổi lễ, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh Lê Anh Tuấn cho biết: "Công trình bệnh viện được khánh thành năm 1938, xây dựng theo kiểu kiến trúc của Pháp, có diện tích rộng hơn 15.000m2. Bệnh viện rất tự hào được xếp hạng di tích xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp thành phố. Bệnh viện mong muốn luôn được sự quan tâm của các cấp để vừa thực hiện tốt công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa bảo tồn tốt giá trị lịch sử, văn hóa của công trình."
Di tích kiến trúc nghệ thuật Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh được chính thức xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa.
Ngày nay, lượng du khách tới tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử - văn hóa ngày càng tăng. Do đó, Ban Giám đốc Sở đã và đang tạo nhiều điều kiện về mọi mặt để các bảo tàng mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế thông qua các dự án về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực và trao đổi hợp tác chuyên môn giữa các nước. Điển hình như việc đầu tư, cải tạo, mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế như: xây dựng Bảo tàng Tôn Đức Thắng, thực hiện trưng bày hiện đại hóa tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Cải tạo mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, chuẩn bị đầu tư xây dựng mới Bảo tàng TP Hồ Chí Minh,...
Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh được chính thức xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa.
Được biết, hiện nay thành phố có 188 di tích được xếp hạng, gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, 128 di tích cấp thành phố. Hiện có 17 bảo tàng, gồm: 11 bảo tàng công lập, với 7 bảo tàng thuộc Sở Văn hóa và Thể thao quản lý (trong đó xếp hạng I với 4 bảo tàng, xếp hạng II có 3 bảo tàng, 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại các bảo tàng) và 6 bảo tàng thuộc sở hữu tư nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!