TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân không hoang mang, lơ là trước biến chủng Omicron

PV-Thứ hai, ngày 29/11/2021 21:04 GMT+7

Đồ họa: VTV Digital

VTV.vn - Nhằm ứng phó với biến chủng Omicron, TP Hồ Chí Minh chuẩn bị các kịch bản như xây dựng bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động, tăng cường tiêm vaccine…

TP Hồ Chí Minh đặt ra 4 vấn đề trong diễn biến dịch COVID-19

Chiều ngày 29/11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP trong những ngày qua.

Tính đến 18 giờ 00 ngày 28/11/2021, có 468.013 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 467.448 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 565 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 14.580 bệnh nhân, trong đó: có 574 trẻ em dưới 16 tuổi, 374 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 28/11, có 1.094 bệnh nhân nhập viện, 1.047 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 277.431), 62 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 17.968).

Về tiêm chủng, đến ngày 28/11/2021, đã có 7.907.595 mũi 1 và 6.667.714 mũi 2 được tiêm cho người dân TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân không hoang mang, lơ là trước biến chủng Omicron - Ảnh 1.

Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải khẳng định, TP đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao. Ảnh: TTBC TP Hồ Chí Minh

Tại họp báo, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cũng cho hay, trong những ngày qua, diễn biến dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh có 4 điều đặt ra gồm: số ca mắc mới vẫn còn cao; số ca tử vong còn nhiều; số bệnh nhân nhập viện luôn cao hơn số xuất viện; sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron.

"Dù đặt ra 4 vấn đề như thế nhưng TP vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Trong nhiều tuần liên tiếp, TP của chúng ta luôn ở cấp độ dịch là 2 (màu vàng). TP đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để xử lý tình huống khi ca mắc mới tăng cao." - ông Hải khẳng định.

Trước tình hình trên, TP đề nghị người dân không hoang mang cũng như không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh. Mọi người cần thực hiện tốt nhất các quy định của ngành y tế, đặc biệt là 5K, cố gắng thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất các thói quen, sở thích của mình. Cụ thể, nên đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm bớt thói quen tụ tập, ngồi với khoảng cách gần để tránh dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh.

Chuẩn bị kịch bản ứng phó với biến chủng Omicron

Thông tin về biến thể COVID-19 B.1.1.529 (Omicron), Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đây là chủng mới, được phát hiện vào ngày 9/11 tại Nam Phi. Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phối hợp với các nhà nghiên cứu trên thế giới để hiểu rõ hơn về biến chủng Omicron thông qua việc đánh giá khả năng lây truyền, các triệu chứng, mức độ nặng khi mắc bệnh, hiệu quả của vaccine…

TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân không hoang mang, lơ là trước biến chủng Omicron - Ảnh 2.

Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin về biến thể COVID-19 B.1.1.529 (Omicron). Ảnh: TTBC TP Hồ Chí Minh

"Về khả năng lây truyền, vẫn chưa rõ liệu Omicron có dễ lây truyền hơn hay không so với các biến thể khác. Số người có kết quả xét nghiệm dương tính đã tăng lên ở các khu vực của Nam Phi bị ảnh hưởng bởi biến thể này, và các nghiên cứu dịch tễ học đang được tiến hành để tìm hiểu xem liệu đó có phải là do Omicron hay các yếu tố khác hay không. Vẫn chưa rõ liệu nhiễm trùng do Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm trùng với các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, chứ chưa chắc chắn rằng là do nhiễm trùng cụ thể với Omicron" - đại diện Sở Y tế thông tin.

Cũng theo bà Huỳnh Mai, hiện tại chưa có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron khác với các triệu chứng ở các biến thể khác. Các trường hợp nhiễm trùng được báo cáo ban đầu là ở các sinh viên đại học - những người trẻ hơn có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn - nhưng việc hiểu được mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron sẽ mất vài ngày đến vài tuần. Tất cả các biến thể của COVID-19, bao gồm cả biến thể Delta đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới, đều có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt với những người dễ tổn thương nhất.

Để đối phó với biến chủng mới nêu trên, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải nêu rõ: "Dù là biến chủng gì đi nữa thì cũng lây qua đường hô hấp. Vì vậy, một trong số những điều chúng ta phải thực hiện đầu tiên là đeo khẩu trang, mở rộng hơn là 5K, trong đó giảm tối đa hơn nữa việc tụ tập".

Sở Y tế đã được giao thường xuyên theo dõi việc thực hiện chỉ đạo về biến chủng Omicron của Bộ Y tế và báo ngay cho Ban chỉ đạo. Nhằm ứng phó với biến chủng trên, TP cũng chuẩn bị các kịch bản như xây dựng bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động, củng cố y tế phường, xã, tăng cường tiêm vaccine… Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn ở 3 nhóm gồm: Y tế công - tư; Đông y - Tây y và Quân y - Dân y.

WHO công bố thông tin ban đầu về biến chủng Omicron WHO công bố thông tin ban đầu về biến chủng Omicron

VTV.vn - Theo thông tin ban đầu, các nhà khoa học vẫn chưa rõ, liệu nhiễm Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm các biến thể khác hay không.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước