Thành phố Hồ Chí Minh nâng mức giãn cách xã hội. Ảnh: TTXVN
Trong tuần qua, việc thực hiện chỉ thị giãn cách tại TP Hồ Chí Minh chưa được nghiêm ngặt. Vì vậy, thành phố cần có những quyết sách, động thái mạnh mẽ hơn đồng thời tăng cường các biện pháp giãn cách nhằm xử lý triệt để các chuỗi dịch. Đây là nội dung được Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh tại buổi họp thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối 19/6.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, qua thời gian giãn cách, ổ dịch lớn nhất từ điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát sau khi có hơn 520 ca lây nhiễm. Tuy nhiên, thành phố tiếp tục phát sinh nhiều ổ dịch mới, trong đó có quận Bình Tân, huyện Hóc Môn.
Do đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đã quyết định các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm những chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra, tăng cường giãn cách và tốc độ xử lý các ca nhiễm phát sinh.
Cùng với việc thực hiện các biện pháp mạnh ở một số khu vực trọng điểm, thành phố thiết lập phong tỏa khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc (quận Bình Tân) và ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn). Đây là hai nơi được đánh giá có tình hình dịch diễn biến phức tạp, nguy hiểm, thuộc diện phải phong tỏa. Theo nguyên tắc, người dân trong khu vực phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập" và tự cách ly giữa các gia đình.
Lực lượng y, bác sỹ TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Đức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động Công ty TNHH phần mềm FPT, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tối 19/6, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ban hành chỉ thị khẩn về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Theo Chỉ thị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện siết chặt và tăng cường các biện pháp trọng tâm, gồm không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cá nhân, tổ chức.
Chỉ thị cũng lưu ý toàn thể người dân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, tự bảo vệ bản thân và gia đình. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân thành phố và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1,5m, mang khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo không gian thông thoáng
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống trên địa bàn; tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Các cơ quan, đơn vị Nhà nước đảm bảo yêu cầu về giãn cách trong quy trình làm việc.
Các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế; dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng.
Chỉ thị cũng nêu rõ thực hiện việc cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các địa phương. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị Nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.
Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở không quá 1/2 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của thành phố; riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế thành phố đảm bảo 100 % quân số.
Sở GTVT thành phố triển khai việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa), hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân. Sở Y tế thành phố tăng cường năng lực xét nghiệm, trong đó tổ chức tầm soát lấy mẫu trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có trọng tâm, trọng điểm (khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao); phối hợp với các cơ quan y tế của thành phố và đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố tổ chức xét nghiệm bằng nhiều biện pháp, phấn đấu thực hiện 500.000 mẫu/ngày.
Thành phố tiếp tục tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm và cắt đứt nguồn lây; sử dụng test nhanh tầm soát ngay tại vùng có phát sinh ca bệnh, áp dụng xét nghiệm khẳng định đối với các trường hợp tiếp xúc gần sau khi có kết quả test nhanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine đảm bảo tiến độ, đối tượng và an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sở Công Thương đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân trong mọi tình huống; triển khai các hình thức đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà và giãn cách tập trung đông người khi mua sắm tại siêu thị.
Công an thành phố, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố rà soát, tổ chức cho người vô gia cư, lang thang, cơ nhỡ, sống tại nơi công cộng vào Trung tâm hỗ trợ xã hội để quản lý kiểm soát, phòng chống dịch.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, từ ngày 27/4 đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 1.346 ca mắc COVID-19 trên địa bàn với nhiều chuỗi lây nhiễm. Đặc điểm lớn nhất của đợt dịch này là chủng virus Delta (chủng virus lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ) lây nhiễm mạnh trong gia đình, khu dân cư, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, chung cư, các cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lây lan rất nhanh và rộng trên địa bàn thành phố.
Những ca bệnh đang len lỏi trong cộng đồng và một số ca được phát hiện thông qua hoạt động khám sàng lọc, tầm soát tại các cơ sở khám chữa bệnh, cho thấy các ca bệnh vẫn âm thầm phát triển trong cộng đồng song song với các ca bệnh thuộc các chuỗi lây nhiễm trước đây đã được kiểm soát. Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc trong những ngày gần đây lên đến 3 con số và có những ca bệnh chưa rõ nguồn lây, dự báo sẽ xuất hiện nhiều ca mắc trong cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!