TP Hồ Chí Minh quyết liệt “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn

Quỳnh Mai-Chủ nhật, ngày 21/04/2024 14:32 GMT+7

VTV.vn - Trước thực trạng gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm, TP Hồ Chí Minh đã có những giải pháp quyết liệt để "tuyên chiến" với thực phẩm bẩn.

Quý I năm nay, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 660 người bị ngộ độc, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 3 người tử vong. Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh - địa phương đông dân nhất cả nước, cũng là nơi có nguồn thực phẩm từ các địa phương khác đổ về rất lớn, đã có những giải pháp quyết liệt để "tuyên chiến" với thực phẩm bẩn.

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố, được đánh giá là có nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm nếu không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa tháng 4 này, thời tiết nắng nóng gay gắt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Do đó, cùng với cả nước, TP Hồ Chí Minh đã triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, kéo dài từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2024.

"Chúng tôi nhấn mạnh vào kiểm tra đột xuất vì thanh tra theo kế hoạch chúng tôi luôn đảm bảo. Mỗi năm, mỗi đơn vị, tổ chức, cá nhân được thanh tra một lần, nhưng còn thanh tra đột xuất thì không giới hạn số lần, mà sẽ tùy thuộc vào tình hình", bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh - cho biết.

Trong Tháng hành động an toàn vì thực phẩm, công tác được chú trọng hơn hết chính là tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

TP Hồ Chí Minh quyết liệt “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn - Ảnh 1.

Quý I năm nay, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 660 người bị ngộ độc, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 (Ảnh minh họa: PLO)

"Người tiêu dùng nên nhận thức, đánh giá được sự nguy hiểm khi sử dụng thực phẩm bẩn. Vì đó không chỉ là sức khỏe của bản thân mình, mà là sức khỏe của những người thân trong gia đình và cả cộng đồng. Đối với những người tiêu dùng, sau khi dùng phải thực phẩm bẩn, hầu như họ ít phản ánh lại đối với những cơ quan chức năng. Khi những cơ quan chức năng không có ý kiến phản hồi của người dân thì cũng rất khó cho chúng tôi trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý, xử phạt", ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh - nhận định.

Nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn còn thể hiện vào đầu tháng 3 vừa qua, khi thành phố tiếp tục là địa phương đầu tiên trên cả nước cùng lúc có 6 hệ thống bán lẻ, chiếm đến 60% thị phần toàn thành phố, cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa dựa trên nguyên tắc: Khi phát hiện một sản phẩm không an toàn thì dừng thu mua trong toàn bộ hệ thống bán lẻ của 6 đơn vị này.

Đảm bảo an toàn thực phẩm là bài toán khó. Nếu có sự chung tay từ các cơ quan chức năng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cho đến người tiêu dùng, thì câu chuyện hạn chế những vụ ngộ độc thực phẩm, hay sâu xa hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe lâu dài và cả tính mạng của người dân, sẽ có thể thực hiện được.

Liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn sau Tết Liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn sau Tết

VTV.vn - Lực lượng quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận, tránh mua phải thực phẩm bẩn trà trộn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước